1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Rợn người cảnh “sống chung” với mồ mả

(Dân trí) - Đó là thực trạng đang diễn ra tại khu dân cư xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Những ngôi mộ cải táng từ lâu hoặc mới chôn được cất nằm san sát nhau, liền kề với giếng ăn, bếp, cổng…hoặc nằm ngay trong vườn nhà dân.

Ra ngõ gặp… mồ mả

Việc chôn cất người chết tại nghĩa địa ngay trước cổng nhà ông Đàn 
Việc chôn cất người chết tại nghĩa địa ngay trước cổng nhà ông Đàn 

Trong đơn "kêu cứu" gửi tới PV Dân trí thường trú tại Nghệ An và các cơ quan chức năng, hàng chục người dân tại xóm 3, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương phản ánh: Thời gian qua họ phải "sống chung" với nghĩa địa đã quá tải nằm ngay trong khu vực dân cư. Đáng nói, ngoài các ngôi mộ đã cải táng từ lâu đời thì mới đây có những ngôi mộ mới được chôn cất tại nghĩa địa.

Tìm hiểu sự việc PV ghi nhận, chiều ngày 2/4, người thân bà Nguyễn Thị N. (73 tuổi, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã qua đời tổ chức làm lễ an táng cho bà N. về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa địa Cồn Lim.

Khu vực mai táng cho bà N. nằm đối diện trước cổng nhà ông Nguyễn Văn Đàn (81 tuổi, xóm 3, xã Thanh Lương) - chỉ cách cổng chừng 3m. Trước đó, biết việc gia đình bà N. chôn cất bà N. ở đây, con dâu ông Đàn vừa sinh cháu được hơn 3 tháng phải gửi con sang nhà người thân “tạm lánh” ít hôm. “Hôm qua, vợ chồng tôi phải đưa con đi gửi nơi khác vì họ chôn cất người đã khuất ngay trước cổng nhà gia đình tôi”, anh Nguyễn Văn Huỳnh (40 tuổi, con ông Đàn), cho biết.

Việc mai táng cho bà N. diễn ra trong vòng khoảng 30 phút nhưng gia đình anh Huỳnh phải “cửa đóng then cài” cổng chính suốt cả ngày và mở cửa phụ để đi. Cách đây 6 năm, khi chồng bà N. qua đời cũng được mai táng tại chính khu vực này.

Những ngôi mộ nằm sát với giếng nước
Những ngôi mộ nằm sát với giếng nước

Cách nhà anh Huỳnh mấy bước chân, ngôi nhà ông Lương Nguyên Hồng (62 tuổi), phía trước là những ngôi mộ cũ có từ trước khi gia đình chị cất nhà để sinh sống, phía sau là cả khu nghĩa địa vớinhiều ngôi mộ còn khá mới chỉ cách ngôi nhà chừng dăm mét. “Chúng tôi đã phản ánh lên xã nhiều lần việc mai táng người chết ngay sát khu dân cư thế này sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng hết năm này qua năm khác vẫn thấy người ta chôn cất ở đây bình thường”, ông Hồng bức xúc.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ một đoạn đường dài chưa đến 500m đã có hơn 100 ngôi mộ “bủa vây” lấy khu dân cư. Những ngôi mộ cải táng từ lâu bám rêu xanh hoặc ngôi mộ mới được hung táng nằm san sát nhau, liền kề với giếng ăn, bếp... Thậm chí có những ngôi mộ còn nằm… cao hơn cả nhà ở. Nhiều người lạ khi đến làng chơi không khỏi “rùng mình” khi thấy những ngôi mộ “án ngữ” ngay trước cổng nhà hoặc ngay trong vườn nhà người dân.

Ra ngõ gặp...mồ mả
Ra ngõ gặp...mồ mả

Theo những người cao tuổi trong làng thì nghĩa địa Cồn Lim có từ lâu đời. Mấy năm trở lại đây, diện tích nghĩa địa bị thu hẹp do số người chết và an táng tại đây tăng nhanh, vậy là “bỗng dưng” các khu mộ ngày càng tràn xuống ở gần với nhà dân. Vào mùa nắng nóng, mùi xú uế ở nghĩa địa bốc lên nồng nặc khiến người dân sống gần đó rất lo lắng và hoang mang khi bệnh tật ngày càng nhiều.

Xã “bất lực” vì thiếu quỹ đất?

Ra ngõ gặp...mồ mả
Ông Nguyễn Văn Dương - xóm trưởng xóm 3, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương lo lắng trước việc nghĩa địa "quá tải"

Dẫn chúng tôi ra “thăm” nghĩa địa, ông Nguyễn Văn Dương - xóm trưởng xóm 3, xã Thanh Lương cho biết, một phần địa phận của xóm nằm ngay cạnh nghĩa địa Cồn Lim - nơi chôn cất hàng nghìn thi thể người chết của các xóm 1, 2, 3, 4 và xóm 13 (xã Thanh Dương).

“Cả xóm chúng tôi có gần 200 hộ dân thì có gần 50 hộ là sống giáp ranh với khu nghĩa địa, khoảng cách ngày càng bị thu hẹp dần. Nhà xa nhất cũng chỉ có vào chục mét còn nhà nào không may mắn bắt buộc phải sống chung với “thế giới của người âm” khi khoảng cách chỉ còn vài bước chân mà thôi”, ông Dương thở dài.

“Từ năm 2013 đến nay xóm chúng tôi có 15 người qua đời, do không có đất để chôn nên đành phải chấp nhận chôn vào nghĩa địa Cồn Lim đã quá tải rồi. Mấy năm nay các bệnh của người dân trong xóm như bệnh ung thư tăng hơn trước mà chưa rõ nguyên nhân từ đâu”, ông Dương cho biết thêm.

Những ngôi mộ nằm trong vườn nhà dân
Những ngôi mộ nằm trong vườn nhà dân

...hoặc nằm cao hơn cả nhà người dân ở
...hoặc nằm cao hơn cả nhà người dân ở

Nghi ngờ nguồn nước là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư, mấy năm nay, nhân dân trong xóm xây các bể nước chứa để hứng nước mưa sinh hoạt thay nước giếng của gia đình. Còn với những hộ có điều kiện hơn thì mua hẳn máy lọc nước để sử dụng cho an toàn hơn.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện nghĩa địa nằm trong khu dân cư, người dân ở đây còn hứng chịu mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác thải nằm ngay sát nghĩa địa này. Được biết, đây là nơi tiếp nhận toàn bộ rác thải từ sinh hoạt, từ sản xuất của nhân dân các xóm lân cận và khu vực chợ Cồn (xã Thanh Dương).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chết “sống chung” với người sống như hiện nay là do các gia đình xâm lấn đất nghĩa địa “quá tải”.

“Nghĩa địa Cồn Lim có từ thế kỷ 18 nhưng ngày càng bị thu hẹp lại và quá tải vì dân số trong xã tăng lên và số người mai táng càng nhiều. Theo quy hoạch thì xã có 3 nghĩa trang tại các xóm 3, 8, 9. Tuy nhiên, vì quỹ đất của xã còn hạn hẹp xã chưa thực hiện được. Trước sự việc người dân tiếp tục mai táng gần khu vực dân cư chúng tôi cũng đã đến tuyên truyền nhưng cũng không thể cấm nổi họ”, ông Thành trăn trở.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy