1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rốn lũ Cẩm Lĩnh “chạy” bão

(Dân trí) - Bão số 5 đang tiến vào bờ, trời ngày mỗi nặng hạt. Làng chài Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên - rốn lũ của vùng đất Hà Tĩnh - suốt buổi chiều 2/10 cấp tập với việc giữ đê và di dân trước khi bão đổ vào.

Giữa cơn giông lớn, ông Trần Quốc Lựu - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, nói vội với chúng tôi: “Gay quá. Bão gần vào rồi. Hơn 4.000 con người, hàng trăm nhà cửa, cầu cống, trường học... của cái xã nghèo ni đang phải đối mặt với bão. Nó mà lở, mà trôi thi gay lắm. Chúng tôi phải bảo vệ nó thôi”.

 

Không như nhiều miền quê khác, ở Cẩm Lĩnh, mỗi khi bão đến họ phải nghĩ chuyện cứu đê đã, trước khi về neo cố nhà mình. Hậu quả của nhiều cơn bão trong quá khứ chỉ cho họ một điều rằng, không bảo vệ được đê thì có nghĩa là tính mạng của họ bị đe doạ, và sau những cơn triều cường dữ dội đời sống của họ đầy khó khăn khi đất đai nhiễm mặn, ao hồ, đồng muối bị thu hẹp...

 

Đó cũng là lý do suốt buổi chiều này dù mưa tầm tã, gió rít mạnh, đôi lúc gió hốt cả cát tạt vào mặt người dân rát hơn mưa đá nhưng không ngăn được hàng trăm người dân Cẩm Lĩnh xuống biển kè đê. Dòng người đông nhưng họ hoà chung vào một, không ai bảo ai, người cầm cuốc, người xách bao, người khuân vác. Phía bên kia, những công nhân của một doanh nghiệp thi công đê Cẩm Lĩnh cũng đang tất bật thu xếp máy móc, vật liệu xây dựng. Những tốp thợ khác tiếp tục tu bổ lại những đoạn đê xung yếu.

 

Ông Thịnh, chủ doanh nghiệp xây dưng đoạn đê có tổng mức đầu tư trên chục tỷ đồng này cho hay: “Mưa lớn tối qua đã làm sạt lở một số chỗ của cống thoát nước. Ý thức được những thiệt hại khi bão đổ vào, ngay khi nhận được công văn của tỉnh, đơn vị đã huy động 100 công nhân gia cố cũng như di dời những vật liệu để giảm thiệt hại. Tôi đảm bảo 100 công nhân sẽ ở đây bảo vệ đê, giúp đỡ bà con cho đến khi bão chính thức đổ bộ vào đất liền”.

 

Cứ thế, những cồn cát trước biển trong buổi chiều bỗng chốc được người dân Cẩm Lĩnh san phẳng. Hàng trăm bao cắt được xếp, kè lên bờ đe vốn đang thi công dở phần xương cứng. Gần như đến xẩm tối, những đoạn đê xung yếu của Cẩm Lĩnh đã được người dân, nhà thầu gia cố xong.

 

Theo kế hoạch, ngày mai, Cẩm Lĩnh mới di dân tại các thôn xóm 1, 2, 4, 7, 10 với khoảng hơn 1.050 con người. Tuy nhiên, như khẳng định của ông Trần Quốc Lựu, mọi kế kế hoạch đã được hoàn thành từ ngay cuối buổi chiều nay. “Ngoài cuộc họp đối với cán bộ cốt cán, chúng tôi đã có công văn gửi về xóm yêu cầu triển khai cụ thể. Kiên quyết không để một ai ở lại trước khi bão đổ bộ vào. Những xóm nào làm không tốt sẽ phải chịu trách nhiệm trước xã. Chúng tôi kiên quyết không để thiệt hại về người trong bão!”

 

Nghệ An: Cấp 3.000 áo phao cứu sinh đối phó với bão

 

Tại buổi làm việc lúc 20 giờ tối 2/10 với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ tham mưu, Phó ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn quốc gia đã lệnh: Cấp ngay 3 ngàn áo phao, 15 ngàn mét vải chắn sóng và nhà bạt để hổ trợ cho Nghệ An đối phó với bão số 5.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Nghệ An cho biết: Đến 16 giờ chiều, 100% tàu thuyền hoạt động trên biển đã về nơi trú ẩn an toàn. Nghệ An đã thu hoạch xong 60 ngàn ha lúa hè thu. Hiện còn gần 12 ngàn ha lúa mùa chưa thu hoạch và hơn 18 ngàn ha ngô đông, 2.500 ha lạc đông đang thời kỳ chăm sóc. Các diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản cơ bản đã thu hoạch.

 

Tỉnh cũng đã xây dựng phương án di dời dân cụ thể như sau: Mức nước dâng từ 3 đến 5m thì di dời hơn 55 ngàn dân ở các huyện vùng ven biển từ Quỳnh Lưu đến TX Cửa Lò; mức nước từ 5 đến 8m thì di dời 161 ngàn dân…

 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát đề nghị: "Cần phải lưu ý, tính toán đến lượng lương thực thực phẩm cho dân khi di dời. Đồng thời cũng cần phải kết nối, giữ thông tin trong bão. Vì khi bão đến chúng ta chỉ có cách là ứng phó tại chỗ, vậy nên thông tin rất quan trọng…".

 

Nguyên Nghĩa

 

Văn Dũng - Minh San

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 10/2007

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm