1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Rất nhiều người bán thực phẩm bất hợp pháp ngoài chợ Hóc Môn, Thủ Đức

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, khu vực bên ngoài các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức có rất nhiều cửa hàng ăn theo, bán tự phát thực phẩm bất hợp pháp.

Đêm 28/12 đến trưa 29/12, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã kiểm tra, giám sát hàng loạt chợ đầu mối, chợ truyền thống ở các quận huyện, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Huây, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, hiện chợ có 943 thương nhân hoạt động, khoảng 1.300 ô vựa kinh doanh rau, trái cây. Ngoài ra, còn có hàng chục vựa hoa tươi và 30 khu vực kinh doanh các ngành khác, chủ yếu là hàng ăn uống. Mỗi ngày, có hơn 2.500 tấn rau, trái cây và hoa tươi các loại được nhập về chợ.

Rất nhiều người bán thực phẩm bất hợp pháp ngoài chợ Hóc Môn, Thủ Đức - 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra trái cây ở chợ nông sản Thủ Đức (Ảnh: NT).

Để đảm bảo ATTP, chợ đầu mối Thủ Đức đã thành lập 4 bộ phận tham gia kiểm tra sổ ghi chép nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh môi trường, nhắc nhở tiểu thương không sử dụng hóa chất, chất bảo quản trên trái cây, rau củ quả gây độc hại. Các mặt hàng có nguy cơ sử dụng hóa chất cao như măng chua, măng luộc, cải chua, chanh, bắp chuối, rau muống bào... được giám sát đặc biệt.

Lãnh đạo Chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, dù phần lớn thương nhân chấp hành tốt các quy định ATTP, vẫn còn một số trường hợp ý thức kém nên thực hiện chưa đầy đủ trong việc ghi chép nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá bán, khám sức khỏe hàng năm... Về công tác quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa, việc thu thập thông tin chủ yếu từ tỉnh thành, huyện xã lớn, chưa được chi tiết đến địa điểm cụ thể vùng trồng.

Rất nhiều người bán thực phẩm bất hợp pháp ngoài chợ Hóc Môn, Thủ Đức - 2

Đoàn kiểm tra giám sát các giấy tờ, nguồn gốc hàng hóa tại các sạp kinh doanh thực phẩm (Ảnh: NT).

Ngoài ra, công tác quản lý sơ chế hàng hóa tại nguồn cũng gặp nhiều khó khăn. Có tình trạng một số thương nhân không nhập hàng vào ô vựa mà nhập về các hộ kinh doanh xung quanh chợ để tránh việc kiểm soát. Một số trường hợp hàng hóa không bán hết trong đêm, thương nhân lại sơ chế để qua ngày hôm sau bán tiếp.

Còn tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, theo báo cáo, năm 2022, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân mỗi ngày khoảng 2.320 tấn, có nguồn gốc trong nước (95%), Trung Quốc (4%) và các nước khác. Trong đó, mỗi ngày chợ nhập gần 4.500 con heo (khoảng 335 tấn), còn lại là trái cây, rau củ.

Trong năm 2022, qua kiểm tra, đã có 3 trường hợp kinh doanh thịt heo không đảm bảo ATTP bị phát hiện và xử lý. Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn nhận định, một số thương nhân do nhận thức hạn chế nên việc vi phạm ATTP vẫn còn xảy ra.

Đáng chú ý, việc kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo ATTP tại các tuyến đường xung quanh chợ đã gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của thương nhân trong chợ, khiến tiểu thương hoang mang.

Rất nhiều người bán thực phẩm bất hợp pháp ngoài chợ Hóc Môn, Thủ Đức - 3

Một sạp kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn (Ảnh: NT).

Tại buổi làm việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhận định, khi xây dựng mô hình chợ như siêu thị, chất lượng thực phẩm sẽ được tập trung dễ dàng hơn ngay từ đầu nguồn, có nhãn mác rõ ràng, dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là mô hình quản lý hiện đại của các nước. TPHCM vẫn duy trì mô hình chợ truyền thống, nhưng phải đảm bảo thực phẩm đi từ chợ đầu mối đến chợ truyền thống an toàn.

Bà Lan cho biết, có một thực tế, khuyết điểm ghi nhận được sau dịch Covid-19, đó là vấn đề bán hàng tự phát diễn ra rất nhiều mà chưa kiểm soát tốt.

UBND TPHCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt đến các ngành, các cấp, lực lượng địa phương, nhưng khi đi vào các chợ đầu mối như chợ Hóc Môn, Thủ Đức, dễ dàng thấy khu vực bên ngoài chợ có rất nhiều cửa hàng ăn theo, bán tự phát thực phẩm ở vỉa hè hoặc nhà ở xung quanh.

Rất nhiều người bán thực phẩm bất hợp pháp ngoài chợ Hóc Môn, Thủ Đức - 4

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, tình trạng buôn bán thực phẩm tự phát, bất hợp pháp diễn ra rất nhiều bên ngoài các chợ đầu mối (Ảnh: NT).

Theo bà Lan, hành vi buôn bán tự phát là bất hợp pháp và không công bằng với những tiểu thương buôn bán trong chợ, khi họ phải đóng thuế và chịu sự kiểm soát về chất lượng, độ an toàn thực phẩm. Vấn đề này đòi hỏi cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

"Chúng tôi kêu gọi người dân, đặc biệt là những tiểu thương, khi đến chợ đầu mối hãy vào trong chợ mua cho đàng hoàng, đúng ở sạp nào, có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra, kiểm soát ở các chợ truyền thống", bà Lan chia sẻ.