1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm nhiều lần bị sỉ nhục, ném thịt heo vào mặt

Hoàng Lê

(Dân trí) - Do lợi nhuận quá cao, các nhóm lợi ích chống đối quyết liệt, nhiều lần đoàn kiểm tra bị đe dọa, tấn công, bị tiểu thương ném thịt heo vào mặt, chửi bới sỉ nhục...

Ngày 23/4, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai về triển khai phối hợp quản lý, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn; đồng thời triển khai đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm giai đoạn năm 2021-2025.

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm nhiều lần bị sỉ nhục, ném thịt heo vào mặt - 1

Heo tại trang trại ở Đồng Nai tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương có hàng chục cơ sở với 85 giấy chứng nhận tham gia đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn" thực hiện thí điểm ở TPHCM. Riêng thịt heo, đã có 963 cơ sở chăn nuôi, số lượng hơn 6,4 triệu con được đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, nhìn nhận quá trình triển khai đề án còn nhiều hạn chế, do người dân chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân phối không chỉ qua kênh siêu thị mà còn các chợ truyền thống, nên vấn đề kiểm soát nguồn gốc chưa đảm bảo hoàn toàn...

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm nhiều lần bị sỉ nhục, ném thịt heo vào mặt - 2

Bà Phạm Khánh Phong Lan trong buổi làm việc tại Đồng Nai (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo ra đời trong bối cảnh năm 2016, TPHCM phát hiện hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc mê, phải tiêu hủy tại một cơ sở giết mổ. Do lợi nhuận quá cao, khi bị kiểm soát chặt, các nhóm lợi ích chống đối quyết liệt, nhiều lần đoàn kiểm tra bị đe dọa, tấn công, bị tiểu thương ném thịt heo vào mặt, chửi bới sỉ nhục...

Bằng sự quyết tâm, sau 6 năm đề án triển khai đã hỗ trợ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cơ bản cắt đứt chuỗi sản xuất thịt heo bẩn. Hiện có gần 8.000 đối tác, doanh nghiệp, nhiều hệ thống chăn nuôi tham gia chuỗi cung ứng. Người dân có thể kiểm soát được các thông tin nguồn gốc an toàn thực phẩm phản ánh cho cơ quan chức năng.

Bà Lan khẳng định, vấn đề người dân quan tâm trong việc truy xuất nguồn gốc là thịt có an toàn hay không. Hiện heo ở chợ đầu mối có thể kiểm soát bằng việc đeo vòng, còn từ chợ đầu mối về các chợ truyền thống, qua các tiểu thương, thì khó kiểm soát. Do đó phải làm thêm việc truy xuất giấy tờ, hóa đơn.

"Không thể vì một khâu lẻ tẻ thực hiện chưa tốt hay phát hiện một vụ thịt heo bẩn, mà phủ nhận công sức của cả hệ thống, cho nên việc quan trọng là phải tăng cường kiểm tra, xử lý", bà Lan cho biết.

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm nhiều lần bị sỉ nhục, ném thịt heo vào mặt - 3

Heo được đeo vòng truy xuất nguồn gốc ở chân trước khi đưa đi giết mổ tiêu thụ (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau buổi làm việc, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã đến khảo sát tại một trại heo ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trại heo nói một lứa heo nuôi trung bình 4-5 tháng, với giá bán khoảng 5 triệu đồng/con, nếu thuận lợi thì lời khoảng 500.000 đồng/con.

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm nhiều lần bị sỉ nhục, ném thịt heo vào mặt - 4

Heo được đưa lên xe sau khi đã đeo vòng truy xuất nguồn gốc và kiểm tra ở trạm trung chuyển đặt xa khu dân cư (Ảnh: Hoàng Lê).

Trước khi heo xuất chuồng, theo quy định phía trại heo gọi báo cho cơ quan thú y trước 24h đến kiểm tra. Heo vừa cân xong sẽ được đeo vòng và kích hoạt toàn bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc. Mỗi xe ô tô chở heo đều có định vị rõ ràng. "Nhưng khi sang tay các thương lái nhỏ lẻ, nguồn gốc heo chưa chắc đảm bảo như ban đầu", ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, trong các địa phương mà ông cung ứng thịt gia súc, chỉ duy nhất TPHCM yêu cầu heo phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ông hoàn toàn ủng hộ, vì góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ đầu.