TPHCM:
Ra mắt bản đồ tiếp cận cho người khuyết tật
(Dân trí) - Dù Việt Nam đã có quy chuẩn quốc gia về xây dựng đảm bảo cho người khuyết tật (NKT) tiếp cận từ rất sớm nhưng các công trình tuân thủ quy chuẩn này (kể cả tại thành phố lớn) lại rất ít ỏi.
Bà Từ Mãnh Kỳ, cán bộ phụ trách dự án Bản đồ tiếp cận của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cho biết: “Tiếp cận là việc NKT sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng”.
Đây là một khái niệm không mới ở Việt Nam, nó được thể hiện trong rất nhiều chính sách, quy định tiến bộ của nhà nước như Pháp lệnh Người tàn tật, Luật Người khuyết tật và nhiều bộ luật chuyên ngành khác như xây dựng, giao thông… Tuy nhiên, điều quan trọng là các chính sách, quy định trên chưa được nhiều cá nhân, tổ chức tuân thủ.
Theo bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD thì hiện các công trình xây dựng, giao thông… tại Việt Nam (kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM) còn rất “xa cách” với NKT vì nó không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho NKT tiếp cận.
Bà nêu nhiều ví dụ như bậc tam cấp vào các tòa nhà quá cao, chưa có lối đi dành riêng cho NKT, không có thềm cho xe lăn NKT đi lên vỉa hè, trên vỉa hè không có gờ dẫn hướng cho người khiếm thị… Đặc biệt là ngay cả các công trình công cộng như công sở, công viên, nhà hát… cũng không đảm bảo các quy chuẩn này làm hạn chế rất nhiều đến hoạt động của NKT, làm NKT khó hòa nhập cộng đồng.
Để minh chứng cho điều này, bà Từ Mãnh Kỳ cho biết: “Trong 1 năm, hơn 50 tình nguyện viên của DRD đã khảo sát 1.800 công trình công cộng (bệnh viện, truờng học, nhà hàng,…) trên địa bàn TP, kết quả là chỉ có 78 công trình xây dựng đúng quy chuẩn, có thể tiếp cận cho NKT”.
Tuy kết quả khảo sát rất đáng thất vọng nhưng DRD cũng quyết định tập hợp 78 công trình tiếp cận trên vào Bản đồ tiếp cận để phát miễn phí cho NKT trên địa bàn TP. Trong ngày 30/9, DRD đã cho ra mắt Bản đồ tiếp cận trên để giúp NKT biết được những công trình nào mình có thể tiếp cận được trên địa bàn TPHCM.
Bà Từ Mãnh Kỳ, người phụ trách dự án cho biết: “Bản đồ tiếp cận cung cấp thông tin về 78 địa điểm mà người sử dụng xe lăn có thể tiếp cận ở khu vực quận 1 và quận 3 của TPHCM. Trong 1 địa điểm, người đọc có thể biết 5 tiêu chí hết sức cần thiết của 1 công trình để người đi xe lăn có thể sử dụng: lối vào, cửa, hành lang, thang máy và nhà vệ sinh”.
Bản đồ này không chỉ giúp ích cho NKT đi xe lăn mà còn giúp người già yếu, người bị thương tật nên hạn chế di chuyển, phụ nữ mang thai… Ngoài xuất bản tập bản đồ giấy, bản đồ tiếp cận này cũng được đưa lên hệ thống mạng tại địa chỉ trang web drdvietnam.com để đông đảo mọi người có thể tham khảo.
Tùng Nguyên