"Quỹ phát triển doanh nghiệp, tôi đố cho vay mà thu được tiền đấy"
(Dân trí) - Đề cập quy định Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lo ngại có thể thất bại ngay từ khi thiết kế. "Cơ chế nào thu tiền nếu không có tài sản thế chấp?", ông Phớc nói.
Phát biểu tại tổ chiều 15/5 về Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết và đúng đắn.
"Cần quyết sách phát triển kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác để tạo đột phá cho nền kinh tế", ông Phớc nói và dẫn nhiều bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân từ các nước thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Lo ngại chính sách thất bại ngay từ khi thiết kế
Phó Thủ tướng dẫn chứng Hàn Quốc trước đây cũng giống Việt Nam, nhưng sau đó họ đã xây dựng được những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Lotte, Posco… đều phát triển rất mạnh và đứng đầu thế giới. Nhật Bản cũng là ví dụ thành công trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ được ông Phớc nêu ra.
Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tạo cơ chế thông thoáng và ưu đãi để phát triển kinh tế theo định hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt thành phần kinh tế tư nhân, Nhà nước hay vốn đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ chiều 15/5 (Ảnh: Minh Châu).
Đề cập đến quy định về quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với chức năng cho vay khởi nghiệp; hỗ trợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thủ tướng lo ngại "có thể thất bại ngay từ khi thiết kế".
"Làm gì sinh ra một quỹ cho vay và thu tiền, tôi đố các đồng chí cho vay mà thu được tiền đấy. Cơ chế nào thu tiền nếu không có tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp?", ông Phớc nói.
Ông nêu thực tế các ngân hàng thương mại cho vay với tài sản đảm bảo còn không thu tiền được, giờ sinh ra quỹ mà nói phải bảo toàn quỹ, cho vay thì không làm được.
Theo góp ý của Phó Thủ tướng, quỹ này nên hỗ trợ, hình thành từ nhiều nguồn, đóng góp từ các nguồn khác nhau, làm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải quy định rõ hỗ trợ doanh nghiệp những công việc gì, như chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ hay hỗ trợ nâng cao nhân lực, thu hút công nghệ cao…
"Phải chi và quyết toán theo đúng quy định còn đưa vào cho vay thì không ai dám cho vay hết", Phó Thủ tướng nêu quan điểm và cho rằng thiết kế chính sách cần khả thi.
"Để phát triển thành phần kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là Nhà nước kiến tạo, thành phần kinh tế tư nhân triển khai thực hiện, có như vậy mới thành công được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nói thêm rằng các quy định cần rạch ròi, minh bạch, bình đẳng.
"Không kiểm tra làm sao biết doanh nghiệp có vi phạm"
Góp ý thêm, Phó Thủ tướng dẫn quy định chỉ kiểm tra không quá một lần/năm với doanh nghiệp.
"Quy định như vậy không biết có đầy đủ không. Ví dụ chỉ kiểm tra một lần, nếu có lỗ hổng thì sao, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, là những vấn đề cấp thiết", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Ông cho biết nhiều nhiệm kỳ trước, Thủ tướng đã chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không được kiểm tra quá một lần với cùng một nội dung.
"Nếu quy định cứng chỉ một lần thì tất cả thanh tra các ngành hay Thanh tra Chính phủ chỉ được kiểm tra một lần, đề nghị cân nhắc chỗ này", ông nói.
Trao đổi thêm bên lề phiên họp tổ về vấn đề này, ông Phớc nói với những lĩnh vực trọng yếu, nên quy định thanh tra, kiểm tra không quá một lần/năm, còn lại sẽ kiểm tra theo xác xuất, hậu kiểm với tần suất vài năm một lần.
Tuy nhiên, cần phân loại lĩnh vực và phân quyền cho Chính phủ để quy định chi tiết vấn đề này, theo lời Phó Thủ tướng.
Ông cho rằng Chính phủ sẽ phân định rõ việc thanh, kiểm tra từng lĩnh vực, tránh tình trạng các cơ quan thanh kiểm tra chồng chéo.
Đi kèm với đó, theo ông, sau thanh, kiểm tra phải xử lý nghiêm, đặc biệt là những việc nghiêm trọng phải xử lý hình sự.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng quy định miễn kiểm tra thực tế đối với doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật cũng chưa phù hợp, bởi khi không kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước không biết doanh nghiệp tuân thủ đúng hay không. Do đó, cần phải luận giải rõ nội dung này để thực thi trong thực tế không gặp vướng mắc.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) nhắc đến thực tế nổi lên như hàng giả tràn lan thời gian qua và đề nghị vẫn phải kiểm tra định kỳ hoặc chuyên đề, hoặc bổ sung cơ chế để làm sao giám sát hiệu quả hơn hoạt động của doanh nghiệp. "Nếu khẳng định thanh tra, kiểm tra một lần trong một năm có thể không đủ", ông Chung nói.