1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quy hoạch Sơn Trà: “Nếu chúng ta không nhìn xa, ắt sẽ có họa gần”

(Dân trí) - TS. Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên - Môi trương đã cảnh báo như vậy về việc phát triển Sơn Trà mà quên đi bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Chiều 15/7, Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” tiếp tục làm việc với nhiều bài tham luận và ý kiến của các đại biểu.

Theo TS. Phạm Viết Thuận, bán đảo Sơn Trà có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Lực lượng tác chiến không ai chấp nhận việc phát triển du lịch mà quên đi bảo vệ an ninh, quốc phòng.

“Chúng ta có rất nhiều hệ thống thù địch. Đảng và Nhà nước ta cũng quan tâm đến vấn đề này. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi chỉ nói một điều rằng: “Nếu chúng ta không có cái nhìn xa, ắt có cái họa gần””, TS. Thuận nói.

TS. Thuận nêu quan điểm, việc bảo tồn và phát triển không thể đi chung. Nếu phát triển Sơn Trà thì phát triển du lịch mạo hiểm, không có lưu trú.

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Ông Thuận phân tích, nếu sử dụng theo kịch bản quy hoạch bán đảo Sơn Trà 1.600 phòng, hàng năm thu hút được 240 ngàn lượt khách. Trong khi đó, Đà Nẵng thu được từ thuế, dịch vụ lữ hành chưa tới 13 tỷ đồng.

“Vậy chúng ta có nên đánh đổi phát triển kinh tế Đà Nẵng, lấy một phần của Sơn Trà không?", ông Thuận đặt câu hỏi.

Ông Thuận kiến nghị Đà Nẵng nên coi lại rất kỹ có nên đánh đổi để phát triển Sơn Trà? Và nếu bảo tồn thì bảo tồn như thế nào?

“Chúng ta bảo tồn voọc chà vá, rừng đặc dụng, hệ sinh thái, thực vật. Không bao giờ có lưu trú trên bán đảo Sơn Trà”, ông Thuận trả lời luôn.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cho biết, xu thế của thế giới hiện nay là du lịch có trách nhiệm.

Theo ông Vinh, cần phát triển du lịch Sơn Trà theo định hướng du lịch sinh thái bền vững, được xây dựng trên nguyên tắc: “Giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường và cung cấp các lợi ích tài chính trực tiếp cho bảo tồn” .

Bán đảo Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà

Quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm. Du khách được khám phá, tận hưởng, trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên. Thông qua đó, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Du khách phải trả tiền để nhìn thấy vẻ đẹp tự nhiên Sơn Trà, không phải bê tông, đồi trọc do khai thác ngắn hạn…

Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước, cho biết, ông là người kiên quyết giữ quan điểm bảo tồn Sơn Trà.

“Nhưng chúng ta bảo tồn như thế nào?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Theo ông Thành, trước hết phải phải xác định mục tiêu cho rõ ràng. Bảo tồn phải trên cơ sở của pháp luật. Phải thành lập ban quản lý rừng đặc dụng và cũng nên xem xét có nên thành lập vườn quốc gia không?

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất gửi Thư khuyến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, UBND TP Đà Nẵng nhằm góp phần làm cơ sở cho việc điều chỉnh bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Thư khuyến nghị có nhiều nội dung, trong đó có kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm