Tại phiên thảo luận, đề cập vấn đề giá điện, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nói: "Từ thuở khai sinh ngành điện, giá điện theo quy tình bất biến là tăng rồi tăng nữa và tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng cái họ cần là công bằng, minh bạch và hợp lý".
Theo đại biểu Cương, kỳ tăng giá điện vừa qua nhiều "mập mờ" cần làm rõ. Người dân có lý khi nghi ngờ tăng giá điện chỉ 8,36% là không chuẩn xác khi số tiền điện họ trả cho nhà đèn trong tháng đầu tiên nhiều gấp đôi thậm chí gấp 3.
"Giá bán lẻ điện bình quân do Chính phủ quy định phải được lấy làm gốc dù chia 6 bậc hay 100 bậc. Tôi có hỏi một số chuyên gia thì họ cho rằng, việc chia bậc bao gồm cả nguyên tắc khuyến khích tiết kiệm thì giá bán lẻ điện bình quân chưa đúng với quyết định của Chính phủ. Bên có lợi đương nhiên là doanh nghiệp không phải người dân", ông Cương nhấn mạnh...
Đề cập lĩnh vực giáo dục, đại biểu Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu rõ, việc gian lận thi cử, cử tri trông đợi sự giải quyết tích cực, thoả đáng của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Theo ông Hiếu, người có trách nhiệm cụ thể trong vụ gian lận thi này, không thể nói là chỉ ở địa phương.
Nghịch lý là mỗi năm Bộ Giáo dục tổ chức cải cách việc thi cử một lần mà càng cải tiến thì càng kém đi. Bộ cũng chưa tổ chức tập huấn, chỉ rõ những kẽ hở có thể bị lợi dụng để tiêu cực trong việc thi 2 trong 1 để các địa phương dự liệu như việc bài thi không dọc phách, bài trắc nghiệm lại thực hiện tích bằng bút chì… Rồi khi có kết quả, Bộ Giáo dục cũng không sớm phát hiện việc phổ điểm của thí sinh ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lại còn cao hơn nơi thành phố lớn, đô thị…
“Nếu phúc tra cả nước, đại biểu cho rằng sẽ còn nhiều sai phạm hơn nữa được phát hiện” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhận định.
Đại biểu này cũng cho rằng, phương pháp của Bộ không thể đúng được khi mà trong lớp luôn có đến gần 100% học sinh giỏi.
Thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa qua, nhiều đại biểu "đòi) một triết lý giáo dục, nhưng theo đại biểu Hiếu thì trước mắt cần một nguyên tắc là nền giáo dục không gian dối.
Tại phiên khai mạc kỳ họp (ngày 20/5), Chính phủ đã báo cáo những con số bổ sung cho thấy, việc mục tiêu kế hoạch phát triển KT - XH năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.
Trong đó có 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong quý I/2019, tình hình KT - XH vẫn giữ được xu thế tích cực, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm…
P. Thảo