Báo Dân trí là 1 trong 22 đơn vị thuộc Bộ Nội vụ sau hợp nhất

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ Nội vụ sau hợp nhất có 22 đơn vị, trong đó 18 đơn vị là các tổ chức hành chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. 4 đơn vị phục vụ chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, trong đó có báo Dân trí.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 25 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý Nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

22 đơn vị thuộc Bộ Nội vụ

Theo nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp Nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ cũng là đơn vị quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động; hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; người có công; thanh niên; bình đẳng giới; văn thư, lưu trữ Nhà nước; thi đua, khen thưởng…

Báo Dân trí là 1 trong 22 đơn vị thuộc Bộ Nội vụ sau hợp nhất - 1

Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: Thành Đông).

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có 22 đơn vị, gồm:

1. Vụ Tổ chức - Biên chế

2. Vụ Chính quyền địa phương

3. Vụ Công chức - Viên chức

4. Vụ Tổ chức phi chính phủ

5. Vụ Cải cách hành chính

6. Vụ Công tác thanh niên và Bình đẳng giới

7. Vụ Hợp tác quốc tế

8. Vụ Tổ chức cán bộ

9. Vụ Pháp chế

10. Vụ Kế hoạch - Tài chính

11. Thanh tra Bộ

12. Văn phòng Bộ

13. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

14. Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội

15. Cục Việc làm

16. Cục Quản lý lao động ngoài nước

17. Cục Người có công

18. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

19. Trung tâm Công nghệ thông tin

20. Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động

21. Tạp chí Tổ chức Nhà nước và Lao động

22. Báo Dân trí

Trong 22 đầu mối trên, có 18 đơn vị là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; 4 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, trong đó có báo Dân trí.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ

Nghị định của Chính phủ vừa ban hành cũng nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt…

Liên quan đến tổ chức hành chính, sự nghiệp Nhà nước, Bộ Nội vụ là đơn vị trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh và cấp huyện).

Bộ Nội vụ cũng thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức tư vấn…

Báo Dân trí là 1 trong 22 đơn vị thuộc Bộ Nội vụ sau hợp nhất - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định cho Đảng bộ Bộ Nội vụ (Ảnh: Dương Giang).

Liên quan tới chính quyền địa phương, Bộ sẽ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; hướng dẫn, đôn đốc UBND các cấp thực hiện quy định về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và cơ quan Trung ương; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng theo quy định của công tác bầu cử.

Bộ có nhiệm vụ thẩm định, trình Thủ tướng hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; đề nghị điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh và giao quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ liên quan địa giới đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cũng được quy định rõ trong nghị định Chính phủ vừa ban hành.

Theo đó, Bộ Nội vụ là đơn vị trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; Trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên và việc giải quyết các điểm chồng lấn, chưa xác định rõ về địa giới đơn vị hành chính các cấp…

Trong quản lý biên chế, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Thủ tướng phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của các cơ quan, tổ chức hành chính và biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Bộ đồng thời là đơn vị trình Thủ tướng và cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính; quyết định giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng cơ quan, tổ chức hành chính và hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương…

Cùng với nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Nội vụ còn là đơn vị thẩm định kế hoạch số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, chiến lược và hướng dẫn việc thực hiện quy định về: Tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm; bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức; đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn chức danh; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức.

Báo Dân trí là 1 trong 22 đơn vị thuộc Bộ Nội vụ sau hợp nhất - 3

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

Bộ cũng là đơn vị trình Thủ tướng về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, miễn nhiệm, bổ nhiệm thành viên Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội; Thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng quyết định, phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định 25 cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ trong lĩnh vực cải cách hành chính Nhà nước; lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội; lĩnh vực việc làm; lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; về tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; lĩnh vực người có công; lĩnh vực thanh niên; lĩnh vực bình đẳng giới…

Lĩnh vực về văn thư, lưu trữ Nhà nước; thi đua, khen thưởng; dịch vụ sự nghiệp công… cũng thuộc nhiệm vụ quản lý của Bộ Nội vụ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3.