Quốc hội: “Lo” nhất là giá phi mã

(Dân trí) - Các chủ đề giá leo thang, tai nạn giao thông tăng, thực phẩm không an toàn... đã hâm nóng cuộc thảo luận đầu tiên của Quốc hội nhiệm kì mới. Nhiều ý kiến cho rằng, giá đã tăng quá khả năng của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng...

Giá tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng ở nông thôn

 

Đại biểu Nguyễn Văn Xướng (Long An) cho rằng, vấn đề nóng nhất là tốc độ tăng giá tiêu dùng phi mã. Ông Xướng đề nghị, phải đánh giá xem các mặt hàng trong nước đã đáp ứng cầu chưa, giá cả đã phù hợp chưa, có cao hơn hàng ngoại hay không. Hàng nhập có phù hợp về thời điểm, thuế xuất nhập khẩu đã phù hợp chưa.

 

Ông nêu ví dụ, mặt hàng sữa đã tăng 4 lần, nhưng chưa một lần nào chúng ta điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu.

 

"Quốc hội vừa phê chuẩn cơ cấu Chính phủ nhiệm kì mới. Hiện nay không những chỉ có các bộ ngành trung ương mà các sở ngành ở địa phương đang ngồi chờ xem cơ quan mình, bản thân mình sẽ đi về đâu, ở đâu. Nếu như chúng ta không sớm ổn định bộ máy của các địa phương, của các sở ngành thì chắc chắn việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn..."

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thiện, Thừa Thiên - Huế.

Ông Xướng nhận định, bài toán giá ăn theo giá đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Giá xăng chỉ tăng hai lần đã làm cho giá hàng hoá dịch vụ tăng 0,47%.

 

Ông Xướng cũng không tán thành quan điểm của một thành viên Chính phủ rằng CPI dưới 8% là thành công và trong tầm kiểm soát. Ông cho rằng, đã có sự chủ quan trong việc nhìn nhận, tăng giá dưới tốc độ tăng trưởng kinh tế (8,5%) là được. Lí lẽ ông đưa ra là mức tăng giá xét trên vĩ mô nền kinh tế thì có thể chấp nhận được, nhưng xét về đời sống nhân dân thì rất không ổn. Công nhân, viên chức và nông dân với thu nhập như hiện tại rất khó bám đuổi được sự tăng giá.

 

Đời sống của người nông dân, trong bối cảnh trượt giá là điều đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) trăn trở nhiều. Theo ông, tăng trưởng ở nông thôn chỉ đạt 3,1% trong khi giá cả tăng gấp đôi, vượt quá khả năng của người nông dân. Trong khi để sản xuất, đầu vụ người nông dân phải đầu tư với giá cao, nhưng thu hoạch thì giá sản phẩm không bù lại được. Nhiều hộ nông dân chăn nuôi phải lao đao vì dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh…

 

Đại biểu Tâm cũng đề cập đến vấn đề giải ngân chậm của các bộ mà nguồn vốn chủ yếu là vốn vay phải hoàn lại, gây nên sự lãng phí. Thêm nữa, vốn đầu tư nhiều khi được đổ vào cho những công trình chưa thiết kế kĩ thuật, trong khi có những công trình ở địa phương đã kéo dài hai thập kỉ nay vẫn chỉ được đầu tư nhỏ giọt.

 

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, sản xuất của chúng ta phụ thuộc nhiều vào bên ngoài và đó là nguyên nhân gây ra các vấn đề như nhập siêu, lạm phát hay sự bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Theo ông, tăng trưởng 9% trong 6 tháng cuối năm là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh thiên tai cộng với giá cả trên thị trường thế giới tiềm ẩn những bất ổn. 

 

Bàn về giải pháp, ông Kiêm cho rằng, với những vấn đề bức xúc như lạm phát, nhập siêu, giải ngân chậm cần xử lí nhanh bằng nhiều biện pháp. Riêng với vấn đề lạm phát, cần nhìn nhận lạm phát năm nay có căn nguyên từ nhiều yếu tố, cả lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm (những lần trước chủ yếu là từ lương thực, thực phẩm) để từ đó có những ứng xử hợp lí.

 

Đối với những vấn đề có tính lâu dài, ông Kiêm cho rằng phải có lộ trình thực hiện cụ thể. Chẳng hạn, với tai nạn giao thông trong năm nay cần tập trung thực hiện biện pháp cưỡng chế, cải cách hành chính cần làm tốt cơ chế một cửa, tham nhũng cần làm rõ ràng, có kết quả các vụ án lớn.

 

Mỗi tỉnh mới chỉ có một nửa thanh tra

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) nhận định, từ năm 2002 đến nay tai nạn giao thông không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Từ 2002-2006 bình quân mỗi ngày có 31 người chết, trong khi 6 tháng đầu năm 2007 bình quân mỗi ngày có 39 người chết.

 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) lo ngại ảnh hưởng tới sức khoẻ, giống nòi. Theo bà Tiến để giải quyết vấn đề “tưởng như đơn giản này” cần phải có nhân lực, tài lực và pháp luật.

 

Hiện tại chúng ta mới chỉ mới chỉ có “nửa” thanh tra an toàn thực phẩm trên một tỉnh, trong khi chỉ riêng Bangkok đã có 5.000 thanh tra. Hiện tại, một tỉnh có khoảng 10.000- 30.000 cơ sở sản xuất nên không thể nào kiểm tra xuể. Nâng số thanh tra lên 8.000 vào năm 2010 chúng ta mới cơ bản có nhân lực để thực thi nhiệm vụ.

 

Về tài lực, phải đầu tư cao hơn hiện tại rất nhiều vì đầu tư cho VSATTP tính theo đầu người của ta mới chỉ là 500 đồng, trong khi của Thái Lan là 1USD. Phải có một hệ thống các phòng thí nghiệm từ tỉnh đến huyện thì mới đáp ứng được yêu cầu kiểm tra.

Về luật, theo bà Tiến cần có chế tài xử lí nghiêm và nếu cần Quốc hội nên cho trình 1 luật về VSATTP vào tháng 4/2008.

Mạnh Cường - Hồng Hạnh