1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh

(Dân trí) - Cho dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng sáng nay Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng với tỉ lệ 68,36% tán thành. Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu bế mạc kì họp.

Nội dung sửa đổi điều 73 của Luật Phòng chống tham nhũng, cho phép thành lập BCĐ phòng chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố đã được các vị đại biểu thảo luận sôi nổi. Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) cho rằng, không nhất thiết gắn Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào hệ thống hành chính mà nên có một cơ quan độc lập. Cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng nên là HĐND - một khi HĐND được tăng cường hoạt động giám sát sẽ thực hiện được vai trò này. Việc HĐND đảm nhận vai trò lãnh đạo sẽ hạn chế được việc bị thao túng.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, Ban chỉ đạo ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng  ban, Viện trưởng VKS, Chánh án TAND tối cao làm thành viên sẽ làm mất đi tính độc lập của các cơ quan tư pháp. Thêm nữa, cơ cấu bộ máy như vậy cũng sẽ khép kín hoạt động phòng chống tham nhũng mà bài học từ vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng) là một ví dụ.

“Ở Singapo không có cơ quan phòng chống tham nhũng như ở ta nhưng tình trạng tham nhũng của họ hầu như không xảy ra”, đại biểu Lê Đình Thanh (Hải Dượng) nhận xét. Theo ông Thanh, hiện tại chúng ta có nhiều cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, Đảng có uỷ ban kiểm tra các cấp từ trung ương đến địa phương, nhà nước có viện kiểm sát, công an, có thanh tra các cấp, ở cơ sở có thanh tra nhân dân và phải chăng các cơ quan này chưa làm tốt chức năng, chưa phát hiện được tham nhũng. Cũng theo ông Thanh, không nên ở trên có cơ quan nào thì cấp dưới cũng phải có cơ quan đó...

Cuối cùng, khi biểu quyết thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật phòng chống tham nhũng có 337/479 đại biểu tán thành, đạt 68,36%.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã đạt sự nhất trí cao khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005 (467/476 đại biểu đồng ý). Với 95,13% tổng sổ đại biểu tán thành, Quốc hội cũng thông qua nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kì của Quốc hội khoá XII xuống còn 4 năm. Như vậy, cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII sẽ diễn ra vào khoảng tháng tháng 5/2011 thay vì tháng 5/2012.

Đúng 10h45 sáng nay, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu bế mạc kì họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII. Chủ tịch nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm mà kì họp đã hoàn thành là quyết định cơ cấu, tổ chức, bầu và phê chuẩn các nhân sự cấp cao của nhà nước. Đây là nhiệm vụ cực kì quan trọng,  có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong thời gian tới.

Thay mặt Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng, đề nghị các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhanh chóng ổn định về tổ chức, sắp xếp cán bộ, kiện toàn bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sửa đổi lề lối làm việc cho phù hợp yêu cầu mới. Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lí, điều hành của Chính phủ trong việc đổi mới công tác qui hoạch, kế hoạch...

Mạnh Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm