1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Một số Bộ trưởng làm được ít quá”

(Dân trí) - “Một số tiêu cực, yếu kém và hạn chế chậm được khắc phục, những vấn đề mới chậm được tiếp thu” là điều ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế nhận xét về một số Bộ trưởng nhiệm kì vừa qua.

Ông cũng mong các Bộ trưởng nhiệm kì mới làm được như Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. 

Ông có thể nói gì về cơ cấu Chính phủ vừa được trình và thông qua tại Quốc hội?

Cơ cấu, tổ chức Chính phủ như đã được trình và thông qua là rất hợp lí, phù hợp với yêu cầu của đất nước hiện nay. Nhưng có điều là chúng ta vẫn nặng về bố trí về cơ cấu sắp xếp. Vấn đề là có tăng cường quản lí nhà nước để đáp ứng được yêu cầu giải quyết những bất cập, bức xúc từ thực tiễn hiện nay hay không. Nói điều này là bởi vì quản lí nhà nước hiện nay đang rất mất cân đối trên một số lĩnh vực mà người dân đang chờ đợi.

Tôi nói ví dụ mất an toàn giao thông là vấn đề đang bức xúc hay an toàn thực phẩm, môi trường hay tham nhũng cũng là những vấn đề còn yếu. Việc sắp xếp lại Chính phủ phải đi đến kết quả cuối cùng là hiệu quả quản lí nhà nước để khắc phục những hạn chế trên ngày càng tốt hơn thì mới là yêu cầu của Quốc hội, nhân dân.

Một trong nhưng tiêu chí của cải cách Chính phủ là làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các bộ nhưng theo như báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật thì dường như Chính phủ chưa làm rõ được chức năng, nhiệm vụ của các bộ khi được cải tổ?

Thông thường nếu bàn về tổ chức cơ cấu bộ máy thì phải xuất phát từ chức năng nhiệm vụ như thế nào để bố trí tổ chức bộ máy cho phù hợp. Nhưng việc sắp xếp lần này là kế thừa của một quá trình và chức năng nhiệm vụ ai cũng nhìn thấy rồi, chỉ có điều là sáp nhập bộ này bộ kia thì phân công sao cho hợp lí. Cho nên Quốc hội chỉ tập trung bàn về cơ cấu tổ chức và cái tổng thể là chính.

Chúng tôi chỉ biết, Thủ tướng và Chính phủ điều hành còn tổ chức như thế nào, bố trí như thế nào, cơ chế ra sao, thay đổi như thế nào, linh hoạt và năng động ra sao là quyền của Thủ tướng thì tốt hơn và Thủ tướng phải chịu trách nhiệm truớc Quốc hội về vấn đề đó. Còn bàn sâu vào anh phải thế nọ anh phải thế kia, nhưng ngày mai nó không hiệu quả thì Quốc hội có chịu trách nhiệm không?

Ở trên ông đã nói tới một số vấn đề bức xúc mà cần phải làm rõ chức năng của các bộ cũng như có những biện pháp cụ thể để giải quyết. Theo ông, những thay đổi của cơ cấu Chính phủ đã giải quyết được vấn đề này chưa?

Đó chỉ là một nhân tố. Quốc hội và Chính phủ còn phải giải quyết nhiều vấn đề. Ví dụ như an toàn giao thông phải gồm cả tổ chức bộ máy, tổ chức rồi hệ thống đường, tăng cường đăng kiểm, rồi đạo đức người lái xe... Nhưng tôi nghĩ Quốc hội nên có bỏ phiếu tín nhiệm định kì để thúc đẩy các thành viên Chính phủ có trách nhiệm về các vấn đề thuộc về lĩnh vực mình quản lí.

Việc có nhiều hơn các bộ đa ngành theo ông nói là phù hợp nhưng cũng gây ra khó khăn trong việc chọn người vì không đơn giản để nắm hết công việc thuộc lĩnh vực của bộ đó?

Điều này phụ thuộc vào cách chuẩn bị của Chính phủ và Quốc hội làm nhiệm vụ phê chuẩn. Theo tôi đó phải là những con người tài năng để giải quyết thực tiễn. Thực tiễn bao giờ cũng sinh ra những con người để giải quyết thực tiễn, chỉ có điều chúng ta lựa chọn và bố trí hợp lí hay không. Còn giai đoạn nào, vẫn có những con người để giải quyết được thực tiễn vì mâu thuẫn khi nảy sinh trong thực tiễn thì phải có người giải quyết được.

Là một người sẽ ấn nút phê chuẩn các thành viên của Chính phủ, ông kì vọng đức tính nào ở các Bộ trưởng?

Tôi nghĩ rằng, các Bộ trưởng cần phải dám chịu trách nhiệm, dám làm và có những cách làm, tư duy mới để làm. Tôi nghĩ nhiệm kì vừa qua, một số Bộ trưởng làm việc rất năng động, rất trách nhiệm và có hiệu quả. Ví dụ như Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, mới lên một thời gian ngắn nhưng đã làm được một số việc, trong đó có làm sáng tỏ chất lượng giáo dục THPT. Tôi rất hoan nghênh.

Tôi nghĩ, các Bộ mà làm được hăng hái, tích cực và có cách làm được như thế thì đất nước chúng ta mạnh lên, nhưng tôi vẫn thấy một số bộ trưởng làm được ít quá. Một số tiêu cực, yếu kém hạn chế chậm được khắc phục, những vấn đề mới chậm được tiếp thu và hiệu quả mang lại thì tất nhiên không tốt lắm.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (ghi)