Quảng Trị: Người dân vùng sạt lở đất sống trong thấp thỏm

Đăng Đức

(Dân trí) - Những trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị tháng 10/2020 đã cướp đi sinh mạng 30 người. Một tháng rưỡi trôi qua, người dân vùng sạt lở vẫn sống trong lo lâu, thấp thỏm…

30 người thiệt mạng do sạt lở đất

Sự cố sạt lở đất liên tiếp xảy ra giữa tháng 10/2020 vùi lấp ngôi nhà 6 người tại xã Húc; vụ sạt lở vùi lấp khiến 22 quân nhân Đoàn 337 hy sinh tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng; sạt lở đất vùi lấp làng mạc tại xã Hướng Việt... vẫn còn ám ảnh người dân vùng núi Quảng Trị.

Một tháng rưỡi trôi qua, thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa) vẫn ngổn ngang dấu vết sạt lở núi. Chưa bao giờ, sạt lở đất lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây đến vậy khi các trận sạt lở đã cướp đi sinh mạng của 7 người dân địa phương. 

Quảng Trị: Người dân vùng sạt lở đất sống trong thấp thỏm - 1

Dấu vết ngổn ngang do sạt lở đất tại thôn Tà Rùng, xã Húc

Nhắc lại trận sạt lở đất diễn ra vào sáng 17/10, anh Hồ Văn La Hâm (SN 1991, trú tại thôn Tà Rùng) vẫn chưa nguôi đau xót bởi mất người con mới 10 tháng tuổi trong vụ sạt lở kinh hoàng ấy.

Quảng Trị: Người dân vùng sạt lở đất sống trong thấp thỏm - 2

Người dân vẫn ám ảnh về 2 trận sạt lở đất cướp đi sinh mạng 8 người

La Hâm kể, nhà của vợ chồng anh dựng bên tỉnh lộ 587, phía bên kia đường là một quả đồi không cao lắm. Những ngày ấy, trời mưa nặng hạt, không ai rời nhà được. Sáng hôm đó, cả nhà dậy sớm, bên kia giường, vợ của La Hâm là Hồ Thị La Ham (SN 1995) đang ẵm con.

Bất ngờ, tiếng nổ to và gần vang lên, một khối lượng đất lớn từ quả đồi đổ ập xuống, tống thẳng vào ngôi nhà xây bằng bê tông của La Hâm. Vị trí La Hâm đang ngồi cùng 2 người con khác không bị đất tràn qua, nhưng vợ La Hâm nằm ở giường thì bị đất phủ lên.

La Hâm hò hét, rồi một số người ở trong thôn đến hỗ trợ kéo vợ anh ra ngoài để đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đứa con 10 tháng tuổi thì không qua khỏi.

Chưa hết bàng hoàng vì cảnh tượng sạt lở đất tàn phá ngôi nhà của La Hâm, thì chiều cùng ngày, ngôi nhà của ông Hồ Văn Phơi dựng cách đó một quãng ngắn bị sạt lở xóa sổ hoàn toàn.

Quảng Trị: Người dân vùng sạt lở đất sống trong thấp thỏm - 3

Ngôi nhà của anh Phơi bị vùi lấp khiến 6 người tử vong

Thời điểm xảy ra vụ việc, trong nhà có 6 người, có 1 phụ nữ mang thai. Đến ngày hôm sau, thi thể của cả gia đình này được tìm thấy dưới đống đất đá.

Ngày hôm sau (18/10), người dân huyện miền núi Hướng Hóa tiếp tục đón nhận tin dữ tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 xảy ra sạt lở đất vùi lấp 22 quân nhân. Những đau thương dồn dập do thiên tai khiến khiến người dân vùng núi kinh hãi.

Nơm nớp lo sạt lở

Cách xã Hướng Phùng không xa, hàng chục hộ dân xã Hướng Sơn cũng sống trong thấp thỏm, lo lắng sạt lở núi. Đợt mưa lũ kéo dài khiến đỉnh núi Tà Bang (thôn RaLy - Rào, xã Hướng Sơn) xuất hiện vết nứt với chiều dài khoảng 200m, khoảng nứt 20-50cm.

Mỗi lần nghe tiếng nổ ở trên núi là người dân thôn Hồ (xã Hướng Sơn), đều hốt hoảng dìu nhau chạy ra khỏi nhà.

Quảng Trị: Người dân vùng sạt lở đất sống trong thấp thỏm - 4

Đỉnh núi Ta Bang, xã Hướng Sơn nhiều điểm bị nứt, sạt

Gia đình anh Hồ Văn Tả Han (33 tuổi, trú tại thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn) nằm ngay dưới chân ngọn đồi Tà Bang, chỉ cách vết nứt khoảng 100m. Nếu chẳng may sạt núi, tất cả đất đá sẽ đổ dồn vào nhà.

Thời gian qua, gia đình anh Han chỉ ở nhà được 10 đêm, các đêm còn lại đến trú ngụ tại điểm trường Tiểu học Hướng Sơn, hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn. 

"Gia đình rất lo lắng, sợ đồi Tà Bang sạt xuống. Mỗi khi mưa lớn, cả nhà 6 người phải di chuyển ngay từ buổi chiều", anh Tả Han kể.

Xã Hướng Sơn có 2 điểm nguy cơ sạt lở núi, đe dọa tính mạng người dân cần di dời, gồm thôn Ra Ly Rào với 45 hộ, 177 khẩu và thôn Hồ với 5 hộ, 24 khẩu.

Ông Lê Trọng Tường - Chủ tịch xã Hướng Sơn cho biết, trước mắt để bà con tự thỏa thuận, đổi đất ở xen ghép với nhau. Gia đình không tìm được đất sẽ được bố trí nơi ở tập trung, cấp từ 60 đến 400 m2 mỗi gia đình tùy số nhân khẩu. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 30 triệu đồng để di dời đến nơi ở mới. 

Cần nguồn vốn lớn để thực hiện di dân

Trước lo lắng của người dân vùng sạt lở, UBND huyện Hướng Hóa đã rà soát, thống kê và đề xuất hỗ trợ xây dựng các điểm tái định cư cho 220 hộ dân sinh sống ở 5 xã có nguy cơ sạt lở cao gồm: Hướng Sơn, Húc, Hướng Phùng, Hướng Lập và Hướng Việt.

UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Hướng Hóa tổ chức di dời khẩn cấp người dân ở thôn RaLy - Rào, xã Hướng Sơn đến nơi ở mới an toàn.

Quảng Trị: Người dân vùng sạt lở đất sống trong thấp thỏm - 5

Sạt lở đất đe dọa cuộc sống người dân vùng cao

Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, xã Hướng Sơn họp bàn phương án di dời số dân này. Xã chuẩn bị khoảng 2 ha đất để bố trí cho các hộ dân.

Tại hội nghị thúc đẩy, khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong đợt mưa, lũ lụt vừa qua trên địa bàn huyện Hướng Hóa xảy ra nhiều điểm sạt lở đất có nguy đe dọa đến tính mạng người dân, cần di dời khẩn cấp.

Tại 3 xã Hướng Sơn, Hướng Lập và xã Húc, huyện Hướng Hóa có tổng cộng 39 hộ, 190 nhân khẩu (cụ thể: xã Hướng Sơn 13 hộ với 57 nhân khẩu, xã Hướng Lập 8 hộ với 25 nhân khẩu và xã Húc 18 hộ với 108 nhân khẩu cần di dời khẩn cấp).

Do đó, tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này và triển khai các dự án bố trí dân cư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với nhu cầu Ngân sách Trung ương hơn 510 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu 3 giải pháp ứng phó sạt lở đất

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, vấn đề sạt lở đất thường xảy ra vào các đợt mưa, bão, lũ không chỉ riêng miền Trung mà còn có ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để giải quyết vấn đề này, ổn định đời sống người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần rà soát, đánh giá để mỗi một địa điểm, căn cứ vào nguyên nhân để có giải pháp cụ thể khác nhau.

Quảng Trị: Người dân vùng sạt lở đất sống trong thấp thỏm - 6

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển Quảng Trị

Thứ trưởng nêu 3 giải pháp ứng phó sạt lở đất: Hiện đã có bản đồ sạt lở thì yêu cầu những chỗ sạt lở cao không được phát triển khu dân cư mới. Với các khu dân cư hiện tại ở chỗ đã có bản đồ sạt lở thì phải có biện pháp di dời.

Thứ hai, hiện nay có một số khu dân cư đã ổn định hàng trăm năm không có sạt lở, nhưng vừa rồi có hiện tượng sạt lở thì cần nhận diện lại và phải có sự phát triển bền vững, làm thế nào để cảnh báo cho bà con sớm.

Theo Thứ trưởng Hiệp, hiện trên thế giới có nhiều công nghệ cảnh báo sạt lở, khi lắp đặt các điểm sạt lở trên núi thì nếu trường hợp xảy ra sạt lở sẽ có báo động, lúc đó người dân biết để di tản sớm.

Giải pháp tiếp theo, là trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương sắp tới, đề nghị khi phát triển mới bất cứ khu dân cư, cơ sở hạ tầng nào cần có nghiên cứu đến yếu tố phòng chống thiên tai và phát triển bền vững. Phải chú trọng kết hợp các yếu tố này để khi xây dựng cơ sở hạ tầng không bị ảnh hưởng bởi sạt lở.

"Để giải quyết vấn đề sạt lở đất, dưới góc độ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT đã nhận diện có 230 khu dân cư ở vùng cao có nguy cơ và bị sạt lở để làm đề án báo cáo Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đang chỉ đạo sẽ có một dự án di dân riêng ở vùng trọng điểm, có nguy cơ cao sạt lở", thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Bộ NN-PTNT cũng phối hợp với các cơ quan như Bộ TN&MT, cơ quan cảnh báo, địa chất thủy văn để tiến hành lắp đặt các thiết bị cảnh báo. Hiện nay, tại một số điểm cảnh báo sạt lở ở vùng cao như Yên Bái, Lào Cai các điểm cảnh báo hoạt động khá hiệu quả.

"Vấn đề giải quyết sạt lở đất, ngoài kinh phí thì cần thời gian để làm. Tôi hi vọng chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và Chính phủ để xử lý sớm", Thứ trưởng Hiệp nói.