1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quan hệ kinh tế Việt - Trung phát triển mạnh

Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam -Trung Quốc đã tiến những bước quan trọng mà bằng chứng là kim ngạch buôn bán hai chiều và những dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng gia tăng.

Các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 8/1999 với 2 dự án có tổng vốn 15,35 triệu USD đầu tư xây dựng chợ Sắt (Hải Phòng) và kinh doanh nhà hàng ăn Trung Quốc (Hà Nội). Đến nay, Trung Quốc đã có 350 dự án với tổng vốn trên 732,3 triệu USD đầu tư tại 42 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đứng thứ 14 trong tổng số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung chủ yếu vào những địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.

 

Các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và khai khoáng (chiếm trên 70% tổng dự án và xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư). Tiếp đến là dịch vụ, nông lâm-ngư-nghiệp và chế biến thuỷ sản, y tế-giáo dục. Nhìn chung các dự án đều có qui mô nhỏ, trung bình chỉ khoảng 2 triệu USD/ dự án.

 

Một dự án quan trọng và thành công nhất của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam là của Công ty liên doanh khai thác kinh doanh khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) tổng vốn đầu tư 26,5 triệu USD.

 

Hai bên đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án lớn trị giá hàng trăm triệu USD bằng nguồn tín dụng ưu đãi chẳng hạn như dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên, dự án xây dựng đường sắt nhẹ Hà Nội - Hà Đông, xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám ở Ninh Bình, khai thác bô xít Đắc Nông và đồng Sin Quyền, hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt khu vực phía bắc và một số dự án trong lĩnh vực hoá chất.

 

Phía Việt Nam cũng rất quan tâm kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc tham gia vào các dự án đầu tư hoặc cung cấp thiệt bị đồng bộ cho Việt Nam.

 

Việt Nam và Trung Quốc đều được quốc tế đánh giá là hai nước có nền kinh tế phát triển cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm qua, lại có một đường biên giới chung khá dài, và đã hình thành nhiều cặp chợ biên giới là những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng buôn bán giữa hai nước.

 

Năm 2004, Trung Quốc đã trở thành một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt 7,19 tỷ USD (tăng 190 lần so với năm 1991). Tám tháng đầu năm nay đạt khoảng 5,56 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn kế hoạch cả năm nay là 5 tỷ USD.

 

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là dầu thô, hàng nông sản, thuỷ-hải sản, khoảng sản, lâm sản, hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử vi tính. Trung Quốc nhập vào Việt Nam xăng dầu, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may-da-giày, phân bón, thiết bị và linh kiện ôtô, xe máy.

 

Tại kỳ họp lần thứ 5 Uỷ ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam -Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, hai bên cho rằng quan hệ buôn bán hai nước đã có bước phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Hai bên thống nhất cần ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác với nhau nhằm đạt mục tiêu kim ngạch buôn bán hai chiều 10 tỷ USD vào năm 2010 và 15 tỷ USD vào năm 2015.

 

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương hồi tháng 7 vừa qua, hai bên đã ký thông cáo chung trong đó nhấn mạnh tới việc hai bên không ngừng mở rộng qui mô thương mại, thu hẹp dần sự mất cân đối trong thương mại song phương; đẩy nhanh thực hiện các dự án hợp tác đã xác định; tích cực khuyến khích và ủng hộ doanh nghiệp hai bên triển khai hợp tác lâu dài trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp quan trọng, không ngừng nâng cao trình độ và chất lượng hợp tác; phối hợp chặt chẽ, sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu về hai hành lang kinh tế và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; kịp thời giải quyết các trở ngại và vấn đề nảy sinh trong hợp tác kinh tế thương mại, tạo thêm thụân lợi để doanh nghiệp hai bên triển khai hợp tác.

 

Theo VnExpress/TTXVN