Quân đội phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
(Dân trí) - Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt,...
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Quân đội luôn khẳng định là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc cũng như sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” năm 1946 của Hồ Chủ tịch, với phương châm “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”, Quân đội là lực lượng chủ lực, nòng cốt, đã chiến đấu mưu trí, sáng tạo, anh dũng, càng đánh càng mạnh, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với khí thế sục sôi cách mạng “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”, Quân đội tiếp tục khẳng định là lực lượng chủ công, vừa đánh Mỹ, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân cống hiến sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những phong trào hành động cách mạng: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc công”, “Tất cả cho tiền tuyến”,… đã tạo nên khí thế đánh giặc sôi nổi, trên mọi lĩnh vực, mặt trận; bằng mọi loại vũ khí, trang bị; trong mọi không gian, thời gian. Toàn dân tham gia đánh giặc, nhà nhà tham gia kháng chiến, người người xung phong ra mặt trận, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã thể hiện khí thế mãnh liệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để làm nên chiến thắng. Bước vào thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Quân đội tiếp tục khẳng định là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất, tích cực chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, đồng thời tham gia xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đổi mới, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, Quân đội đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, cùng với toàn Đảng, toàn dân tập trung mọi nỗ lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, Quân đội đã tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định nhiều chủ trương, đường lối và chính sách về quốc phòng, như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng sửa đổi năm 2018 và nhiều nghị quyết, chiến lược, nghị định khác. Gần đây nhất là Nghị định 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/2/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, thường xuyên tổ chức điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quốc phòng, phù hợp với thực tế đất nước, khu vực và thế giới. Đặc biệt, đã tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 381-CT/TW, ngày 17/10/1989, về việc Quyết định lấy ngày 22/12 – Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hằng năm là Ngày Hội Quốc phòng toàn dân.
Qua 30 năm thực hiện, Ngày Hội quốc phòng toàn dân đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân ngày càng được tích lũy đủ mạnh, trong đó tiềm lực chính trị, tinh thần có nhiều chuyển biến tích cực; tiềm lực quân sự được đầu tư xây dựng về mọi mặt; tiềm lực kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ,... của quốc gia liên tục phát triển, sẵn sàng huy động xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh và mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Lực lượng vũ trang ba thứ quân được xây dựng vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ngày càng cao; “thế trận lòng dân”, thế trận quân sự, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc, là tiền đề quan trọng để phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận nhân dân và cán bộ, đảng viên về nền quốc phòng toàn dân, về đối tượng, đối tác chưa thật đầy đủ, sâu sắc; còn tư tưởng cho rằng, việc xây dựng và nâng cao tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ riêng của Quân đội. Công tác nghiên cứu, đánh giá, nhận định tình hình, dự báo chiến lược, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có mặt còn hạn chế. Công nghiệp quốc phòng chưa đáp ứng yêu cầu đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, v.v.
Hiện nay, dự báo bối cảnh thế giới, khu vực, nhất là Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong nước, các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kích động chia rẽ Đảng, Nhà nước với Quân đội, Quân đội với Công an. Nguy hiểm hơn, chúng đòi “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội, hạ thấp uy tín, vị thế, phủ nhận vai trò của Quân đội, v.v. Cùng với đó, là sự xuất hiện các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, tác động không nhỏ đến công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Vì thế, thời gian tới, Quân đội cần phát huy hơn nữa vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định kết quả xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội phải chủ động nắm chắc mọi diễn biến an ninh, chính trị thế giới, khu vực; tiềm lực mọi mặt của đất nước và khả năng huy động, động viên quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh ngay trong thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch, bảo đảm cho Quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và hoạt động đúng mục tiêu, phương hướng chính trị cũng như chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tham mưu với Đảng, Nhà nước các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn trong xây dựng, huy động các tiềm lực, nhất là tiềm lực kinh tế cho nhiệm vụ quốc phòng trong điều kiện kinh tế thị trường; tích cực huy động các nguồn lực để hiện đại hóa Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Trong điều kiện các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp giữ vững, tăng cường bản chất, truyền thống, uy tín, vị thế của Quân đội, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Quân đội cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cơ chế lãnh đạo, thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức đảng từ Quân ủy Trung ương đến cơ sở; chú trọng phát huy vai trò tham mưu của tổ chức đảng quân sự trong các ban, bộ, ngành, địa phương cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng. Quá trình thực hiện, các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần coi trọng việc cập nhật, bổ sung những nội dung mới, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng và an ninh, làm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và toàn dân nhận thức sâu sắc vai trò, sự cần thiết phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, xác định ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, làm tốt công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng, phát triển nền quốc phòng toàn dân làm cơ sở để tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo đúng các nội dung được xác định trong Luật Quốc phòng. Đặc biệt, cần xác định cụ thể và vận hành nhịp nhàng, ăn khớp, đồng bộ, hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan quân sự phối hợp với các ban, ngành làm tham mưu và tổ chức thực hiện. Cơ quan quân sự các cấp cần nâng cao trình độ mọi mặt để làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp mình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới.
Hai là, chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận định tình hình, dự báo chiến lược, đấu tranh quốc phòng. Nghiên cứu, đánh giá, nhận định và dự báo chính xác tình hình là cơ sở quan trọng hàng đầu để xác định phương án, đối sách phù hợp, xử lý thắng lợi các tình huống; đồng thời, làm cơ sở tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định, điều chỉnh kịp thời chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật về quốc phòng, quân sự. Vì vậy, các cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Quốc phòng, nhất là Viện Chiến lược, Cục Tác chiến, Cục Đối ngoại,... cần chủ động phối hợp, nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo chính xác, kịp thời các tình huống phức tạp có thể xảy ra cả trên không, trên bộ, trên biển, trên không gian mạng; cả tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, tập trung các vùng biên giới, biển, đảo, các địa bàn chiến lược, trọng yếu, khu vực an ninh chính trị phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, v.v. Để làm được điều đó, cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật, kịp thời phát hiện âm mưu, hành động của các thế lực thù địch để chủ động có phương án ứng phó, ngăn chặn, đẩy lùi từ xa và tích cực chuẩn bị kế sách, lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống. Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án tác chiến, kế hoạch phòng thủ trên phạm vi cả nước và từng hướng chiến lược phù hợp với diễn biến tình hình; chú trọng các phương án chống gây rối, bạo loạn, khủng bố. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo, trên không gian mạng,... xử lý dứt điểm các vụ việc theo phân cấp, không để lan rộng, kéo dài; báo cáo chính xác, kịp thời, kiên quyết không để bị động, bất ngờ ở cả cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Trước sự biến đổi mau lẹ của tình hình, các lực lượng cần chú trọng nâng cao khả năng, trình độ nghiên cứu, dự báo chiến lược, nhất là chiến lược an ninh, quốc phòng của các nước lớn, các nước láng giềng; theo dõi, nắm chắc những động thái, điều chỉnh chiến lược, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, sự chuyển hóa giữa đối tác - đối tượng, v.v. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp đấu tranh quốc phòng, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân tiến bộ thế giới; kết hợp đấu tranh pháp lý với chính trị, ngoại giao và đấu tranh trực diện trên thực địa, bảo đảm đúng quan điểm, đường lối, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương hướng của Đảng, đúng pháp luật Nhà nước, luật pháp quốc tế và những hiệp ước, hiệp định của khu vực. Kiên quyết, kiên trì biện pháp hòa bình, không manh động, nóng vội; không sử dụng biện pháp quân sự, vũ trang; tỉnh táo, thận trọng, tránh mắc mưu đối phương,... quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, nhân dân và lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi tình huống. Trong quá trình nắm, nghiên cứu, đánh giá tình hình cũng như xử lý các tình huống đấu tranh quốc phòng, cần chú trọng phát huy vai trò, sự tham gia của đông đảo quần chúng, sự phối hợp, vào cuộc của các thành phần, lực lượng liên quan tại địa bàn, cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi quyết định.
Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vũ trang, trọng tâm là xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đảng ta chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trọng tâm là xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; trong đó, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, đảm bảo cho Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, toàn quân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 606-NQ/QUTW, ngày 16-6-2018 của Quân ủy Trung ương, Quyết định 2754/QĐ-BQP, ngày 30-6-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Kế hoạch tổ chức Quân đội đến năm 2021, khẩn trương điều chỉnh tổ chức biến chế đảm bảo “tinh, gọn, mạnh”. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, tích cực đổi mới công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; kết hợp huấn luyện với đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực”. Duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, vận dụng tốt các phương thức, cơ chế mới trong bảo đảm hậu cần, tài chính, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng; tận dụng tối đa thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ quân sự; chú trọng tổng kết kinh nghiệm, phát triển lý luận xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và nghệ thuật quân sự.
Cùng với đó, cơ quan quân sự các cấp chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, có đủ thành phần, lực lượng và chất lượng theo chuyên môn quân sự; tăng cường nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thành lập các lực lượng mới, cần thiết theo yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn dự bị động viên và các nguồn lực khác sẵn sàng thực hiện lệnh động viên và hỗ trợ, bảo đảm đủ khả năng cho các lực lượng xử lý tốt mọi tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ, cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Trong quá trình xây dựng, chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, hình thành thế trận phòng thủ trên các hướng chiến lược và cả nước; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chuẩn bị đầy đủ các phương án động viên nhân lực, vật lực; các kế hoạch bảo đảm nhu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục điều chỉnh thế bố trí chiến lược của các lực lượng,… ưu tiên hướng phòng thủ chủ yếu, quan trọng, gắn với điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước trong tình hình mới.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng, tạo môi trường hòa bình, ổn định và lợi thế cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đối ngoại quốc phòng là bộ phận hữu cơ - một trong các trụ cột của đối ngoại quốc gia, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trước hết, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương, các chương trình, chỉ thị, kế hoạch, thông tư, đề án về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại, triển khai thực hiện có kế hoạch, chiều sâu, trọng điểm; theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước xử lý tốt các mối quan hệ, hợp tác quốc phòng với các nước. Chuẩn bị các phương án đấu tranh ngoại giao, đặc biệt là các nội dung liên quan đến Biển Đông. Thông qua đối ngoại quốc phòng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các lợi ích hợp pháp của Việt Nam, đồng thời huy động các nguồn lực từ bên ngoài vào đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội và nền quốc phòng toàn dân. Trong đó, cần đưa quan hệ, hợp tác quốc phòng song phương đi vào thực chất, hiệu quả, ổn định; ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống, tập trung vào các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu, phù hợp với khả năng của đất nước, Quân đội, như: khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, quân y, hải quân, nghiên cứu chiến lược, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, v.v. Giải quyết hiệu quả mối quan hệ, hợp tác, tạo thế cân bằng, đan xen lợi ích chiến lược với các nước lớn; chủ động rà soát và triển khai hiệu quả các văn bản đã ký kết. Đồng thời, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN, chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nhất là nội dung, chương trình hợp tác quốc phòng khi Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tăng cường đối thoại quốc phòng, góp phần xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao hơn nữa vị thế của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia).
Quá trình thực hiện, các cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại quốc phòng, như: Cục Đối ngoại, Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng,… cần phối hợp chặt chẽ với các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, bảo đảm cho công tác đối ngoại quốc phòng triển khai thông suốt, đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chiến lược và ký kết các thỏa thuận quốc tế về đối ngoại quốc phòng; quyết tâm đưa công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó Quân đội là nòng cốt. Do vậy, phát huy hiệu quả vai trò của Quân đội đối với nhiệm vụ quan trọng này sẽ góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Thượng tướng PHAN VĂN GIANG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng