Đêm Noel 47 năm trước, Thái Nguyên chìm trong nước mắt!
(Dân trí) - Đêm Noel của 47 năm trước, khi tiếng bom B52 vừa dứt, những bàn tay tìm kiếm bàn tay đồng đội cào đất đến bật cả máu tươi… 60 thanh niên xung phong của Đại đội 915 (Thái Nguyên) đã anh dũng hy sinh sau trận oanh tạc bom B52 của Mỹ.
Tối 24/12, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tại ga Lưu Xá, (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên), Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; tưởng niệm, tri ân 60 liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh đúng đêm Noel 24/12/1972.
Ngược dòng lịch sử trở về 47 năm trước, tháng 6/1972, trước tình hình bị Mỹ phong toả nhiều cửa sông, bến cảng của miền Bắc, việc vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh và các loại hàng hoá thiết yếu khác do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo đường biển hoàn toàn bị ngưng trệ.
Trước tình hình đó, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái hai nhiệm vụ: Một là, tiếp nhận hàng từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh) chuyển về theo Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và Đường sắt Kép - Lưu Xá; khối lượng vận chuyển mỗi tháng từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn, vừa để dự trữ, vừa để tiếp chuyển cho các chiến trường và các tỉnh trong khu vực. Hai là, phải đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống trên các trục đường giao thông.
Ga Lưu Xá và ga Quán Triều (thành phố Thái Nguyên) trở thành vị trí quan trọng, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân trang, quân dụng để từ đó tiếp tục chuyển đi chi viện cho các chiến trường đánh Mỹ. Đồng thời, thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những địa bàn đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Tháng 6/1972, Đại đội Thanh niên Xung phong (TNXP) 915, Đội 91 được thành lập với 102 cán bộ, đội viên là con em nhân dân thuộc 8 huyện thuộc tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, được biên chế thành 7 tiểu đội.
Đầu tháng 9/1972, đoàn viên Đại đội 915 được chuyển sang làm nhiệm vụ san lấp, sửa chữa tuyến đường 16A - con đường vận chuyển lương thực, hàng hóa từ Lạng Sơn xuống Bắc Giang về TP Thái Nguyên trước khi chuyển tới Hà Nội. Với vị trí trọng yếu này, giặc Mỹ thường xuyên cho máy bay thả bom, đánh phá dữ dội, hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa.
Vào tháng 12/1972, ga Lưu Xa đang là “túi bom”, lúc này tại ga có gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng đang cần được giải tỏa - một nhiệm vụ hết sức khẩn trương và cấp bách được đặt ra.
66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 (Đội 91 Bắc Thái) đều xung phong đi làm nhiệm vụ. Sáng sớm ngày 24/12/1972, 66 cán bộ, đội viên có mặt tại ga Lưu Xá làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực, hàng hoá.
Chập tối 24/12, số lương thực, hàng hoá quốc phòng tồn đọng ở ga Lưu Xá cơ bản đã được giải toả, cả đơn vị còn chưa kịp ăn cơm thì còi báo động rú lên, đồng thời với tiếng loa phóng thanh dồn dập thông báo máy bay Mỹ đang bay vào thành phố Thái Nguyên.
Tiếng máy bay như muốn xé toang bầu trời, bom từ những chiếc B52 bắt đầu trút xuống từng đợt. Toàn bộ 66 cán bộ và đội viên Đại đội 915 và 2 thủ kho lương thực đã vào hết 2 hầm trú ẩn ở Khu tập thể Bệnh viện Gang thép với 1 hầm tập thể hình chữ U xây bằng gạch, nắp đậy bằng bê tông vững chắc và 1 hầm kèo chữ A làm bằng tre, gỗ.
Sáu tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và các máy bay chiến thuật của giặc Mỹ liên tục đánh phá. Một quả bom rơi trúng một đầu hầm chữ U, nơi trú ẩn của phần đông TNXP. Quả bom khác rơi trúng đầu hầm bên kia, làm căn hầm lún sâu, biến dạng; đồng thời vùi lấp căn hầm chữ A bên cạnh.
Khi còi báo yên, bầu trời Gia Sàng chìm trong bóng tối, lúc này mọi người đều tỏa ra tập trung đào bới, tìm cứu những người bị vùi lấp.
Trong đêm tối giá lạnh, thi thể một số TNXP không còn nguyên vẹn, vương vãi khắp nơi. Tại căn hầm bị sập, mấy chục thi thể dồn lại, bị chết do ngạt thở; một số đội viên nữ chết trong tư thế người nọ ôm người kia, liền nhau thành một khối, đồng đội phải gỡ từng người ra, đưa về nghĩa trang Dốc Lim.
Các anh các chị được thay quần áo TNXP mới, đặt vào từng ngôi mộ được đánh số, vẽ sơ đồ cẩn thận.
Đến sáng 25/12, việc tìm kiếm, cứu nạn cơ bản hoàn tất. Trận ném bom khốc liệt của Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 62 người đang làm nhiệm vụ, Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường, 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915; 2 cán bộ thủ kho của Ty Lương thực (Bắc Thái cũ) là anh Lê Quang Hòa và anh Đỗ Xuân Sinh. Các cán bộ, đội viên Đại đội 915 bị thương.
Phó Thủ tướng biểu dương sự quan tâm, chăm lo đến gia đình người có công tại 2 tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn
Tại buổi Lễ tri ân 60 TNXP đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái là mất mát quá lớn, nhưng tinh thần kiên cường, bất khuất của các thanh niên xung phong Đại đội 915 đã tạc nên một tượng đài trong lòng dân tộc, vang mãi khúc tráng ca hào hùng của một thời không thể nào quên.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta như lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trương Hòa Bình đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như tấm gương hy sinh anh dũng của 60 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái và 2 cán bộ thủ kho của Ty Lương thực. Sự hy sinh đó là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ noi theo. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn trân trọng biết ơn sự hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng biểu dương sự quan tâm, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong công tác đền ơn đáp nghĩa, trong đó có việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tại Lưu Xá”.
Ông yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm và dành nguồn lực cho công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu mà phải bằng hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, có các giải pháp đầu tư, quản lý, khai thác và phát huy tốt hơn nữa giá trị của các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng…
Tại buổi Lễ tri ân, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ quốc phòng đã trao tặng 70 suất quà đến các gia đình cựu thanh niên xung phong và thân nhân liệt sĩ Đại đội 915 sinh sống tại tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn.
Tuấn Hợp