1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quân đội băn khoăn vì “đuối” tướng hơn Công an

(Dân trí) - Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày, nếu đề xuất quy định Giám đốc CA TPHCM mang hàm Trung tướng thì Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM chỉ đến Thiếu tướng. Anh em tâm tư nhưng Bộ sẽ động viên để cấp dưới yên lòng… phấn đấu tiếp.

Ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh được nêu ra tại phiên thảo luận về dự thảo luật Quân đội nhân dân sửa đổi tại Quốc hội sáng 6/11. Vấn đề phong hàm cấp tướng nhận nhiều tranh luận trái chiều của Đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) khái quát, số lượng sĩ quan quân đội có quân hàm cấp tướng hiện nay khoảng 8%, đã là quá lớn. Ông Sơn băn khoăn, cơ quan soạn thảo luật có xây dựng trần khống chế tỷ lệ tướng trong quân đội? Đặt vấn đề giảm xuống 5% có được không.

“Liệu có phải một thời gian dài vừa qua chúng ta đã phong, thăng vượt quá số lượng “quota” cho phép, giờ có còn nguồn để tiếp tục phong thăng thêm cán bộ nhằm đảm bảo yêu cầu công tác không?” – ông Sơn đặt câu hỏi.

Đại biểu góp ý, việc phong, thăng cấp tướng, nếu có cũng cần hướng theo nguyên tắc để từng bước xây dựng Quân đội Việt Nam hiện đại, tinh nhuệ chứ không phải giải quyết vấn đề chế độ, chính sách cho anh em.
 
Quân đội “đuối” tướng hơn Công an, Bộ trưởng phải vận động quân
Trung tướng Phùng Khắc Đăng: "Phong thăng cấp tướng chỉ theo tình cảm khó được người dân đồng tình".

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhận xét về tình trạng “lạm phát” tướng hiện nay. Ông Thuyền kể, đi bộ đội thời chiến tranh, nghe tên một người có chức vụ Thiếu tá đã là ghê gớm lắm, giờ thì đi đâu cũng gặp tướng.

“Trong chiến tranh, quân đội của ta vận hành dưới tay chỉ khoảng 60 tướng. Nay số lượng tướng tăng gấp nhiều lần, có đồng nghĩa với việc sức mạnh quân đội cũng tăng tương ứng ngần ấy?” - ông Thuyền cảnh báo, nên cân nhắc để khi bổ nhiệm một ông tướng phải nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Về phương án thăng trần quân hàm cho Tư lệnh, Chính ủy 2 đơn vị là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh TPHCM, đại biểu Nguyễn Anh Sơn góp ý, chỉ nên tăng 1 cấp – lên mức Thiếu tướng vì nếu “tông” lên đến Trung tướng thì chênh so với hàm Đại tá của Tư lệnh, Chính ủy của Bộ chỉ huy quân sự các địa phương khác đến 2 bậc, dễ gây tâm lý xao động, băn khoăn trong lực lượng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bình (TPHCM) tán thành phân tích này. Ông Bình cảnh báo, để Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM mang quân hàm Trung tướng sẽ tạo áp lực tâm lý trong toàn bộ lực lượng, các địa phương khác mà nếu để phong hàm đồng loạt, ngang nhau hết thì lại “lạm phát” tướng, quy định không khả thi.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (đại biểu Bến Tre) – Phó Tư lệnh Quân khu 9 cũng phân tích, Bộ Tư lệnh TPHCM là đơn vị trực thuộc Quân khu 7. Vậy nếu Chính ủy đơn vị này mà mang quân hàm Trung Tướng, ngang với Chỉ huy trưởng Quân khu thì không hợp lý. Tướng Tỷ cũng đề nghị chỉ quy định trần quân hàm cao nhất của lãnh đạo Bộ Tư lệnh TPHCM là Thiếu tướng.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng (đại biểu Sơn La) – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng chỉ rõ bất cập, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Hội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Chính ủy có trần quân hàm Trung tướng là bình thường nhưng Bộ Tư lệnh TPHCM lại là đơn vị thuộc Quân khu 7, lãnh đạo không thể mang hàm cao hơn cả lãnh đạo quân khu được.

“Nếu quy định không tuân theo quy chế nhất định mà chỉ phong thăng theo tình cảm thì khó nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận, thậm chí dễ vấp phải phản ứng của anh em binh sĩ trong Quân khu 7. Thăng cao hơn đến 2 cấp sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sĩ quan” – ông Đăng cũng đồng quan điểm, Tư lệnh, Chính phủ Bộ Tư lệnh TPHCM quân hàm cao nhất cũng chỉ đến Thiếu tướng.
 
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Quân đội quán triệt tinh thần giảm cấp tướng.
Đại tướng Phùng Quang Thanh: "Quân đội quán triệt tinh thần giảm cấp tướng".

Giải đáp thêm môt số khúc mắc, Bộ trưởng Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, việc sửa luật lần này là để khắc phục việc dư luận xã hội cho là Việt Nam phong tướng quá nhiều. Tướng Thanh khái quát, cả nước có khoảng 480 tướng, sau này khi rà soát lại trong cấp phó thì số lượng mới tăng lên.

Quan điểm của ông Thanh là xin giữ trần quân hàm cấp tướng như hiện nay thì đã giữ thành hệ thống ổn định nhiều chục năm qua. Tuy nhiên, việc tổ chức trong quân đội cũng phải đặt trong tương quan với ngành Công an.

Ý kiến quy định trần quân hàm Trung tướng cho Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh TPHCM, theo ông Thanh, là lựa theo đề xuất quy định thăng cấp bậc hàm lên Trung tướng cho Giám đốc Công an Hà Nội, Giám đốc Công an TPHCM trong luật CAND sửa đổi cũng trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp này.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trực thuộc Bộ Quốc phòng, có cả sư đoàn nằm trong Bộ thì việc cấp quân hàm cao nhất là Trung tướng dễ chấp nhận. Với Bộ Tư lệnh TPHCM thì “vướng” vì đơn vị này thuộc Quân khu 7. “Nếu Tư lệnh TPHCM hàm Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7 lại chỉ được hàm Thiếu tướng, khi xuống đơn vị kiểm tra mà hàm lại thấp hơn… cấp dưới thì khó làm việc” – ông Thanh nêu quan điểm, chỉ để hàm Thiếu tướng với chức danh này.

Dù tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là tại địa phương, lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự và Sở Công an cấp bậc ngang bằng nhau nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng quả quyết, sẽ giải thích, vận động để anh em hiểu rõ, không ý kiến vì mỗi ngành có đặc thù riêng, không thể tuyệt đối giống nhau được.

Bản thân hứa sẽ động viên anh em yên tâm, làm Chính ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM nếu làm tốt thì cũng có thể phấn đấu, lên được Quân khu thì cũng có khả năng lên Trung tướng, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng cũng chia sẻ quan điểm riêng, nếu bên Công an giữ nguyên được quy định như hiện nay, không “thăng” cấp lên thì sẽ ổn, hợp lý hơn.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm