1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quan điểm "vướng đâu, gỡ đó" của Thủ tướng tại buổi làm việc với TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với UBND TPHCM, Thủ tướng đã gỡ vướng cho từng dự án lớn đang gặp khó khăn trên địa bàn, đồng thời nêu giải pháp, giao mốc thời gian giải quyết những vấn đề trên phạm vi cả nước.

"Không chần chừ", "không nêu lý do", "không bàn thêm mà chỉ tập trung làm", là những điều được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới nhiều lần tại buổi làm việc với TPHCM chiều 27/11.

Ngoài nội dung chính liên quan những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra những định hướng lớn cho những khó khăn, bất cập xuất hiện thời gian qua, có tầm ảnh hưởng bên ngoài phạm vi một địa phương.

Quan điểm vướng đâu, gỡ đó của Thủ tướng tại buổi làm việc với TPHCM - 1

Buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với UBND TPHCM (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Để thị trường xăng dầu hoạt động đúng quy luật thị trường

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TPHCM đã nêu rõ những hạn chế trong quản lý kinh doanh xăng dầu thời gian qua và đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành hướng tháo gỡ. Vấn đề thiếu xăng cục bộ TPHCM gặp phải chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh mà nhiều địa phương khác trên cả nước gặp phải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, nguyên nhân chính của vấn đề là giá cả chưa theo đúng quy luật thị trường. Việc sử dụng biện pháp hành chính, chính trị để kêu gọi người cung ứng trong khi họ không có lãi là rất khó thực hiện.

Quan điểm vướng đâu, gỡ đó của Thủ tướng tại buổi làm việc với TPHCM - 2

Thủ tướng giao mốc thời gian hoàn thành sửa đổi quy định về xăng, dầu (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

"Về vấn đề sửa đổi các quy định trong kinh doanh xăng, dầu, tôi nhất trí và đã giao Bộ Công Thương hoàn thành sửa đổi trước ngày 20/12. Lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu cần hoạt động đúng quy luật thị trường trong điều kiện bình thường, có can thiệp của Nhà nước khi tình hình phức tạp, quỹ bình ổn được sử dụng hiệu quả", Thủ tướng nêu rõ.

Một nội dung khác được chính quyền thành phố đặt ra là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là hoạt động trái phiếu, bất động sản, tình hình thanh khoản của ngân hàng. Thủ tướng thể hiện nhất trí cao và khẳng định, Chính phủ nhìn nhận được những vấn đề này, đồng thời thành lập 3 tổ công tác do các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng phụ trách nhằm rà soát, đánh giá, phân loại những khó khăn và tìm hướng tháo gỡ.

"Các tổ công tác sẽ rà soát hành lang pháp lý, thể chế, phân loại các trái phiếu. Trái phiếu nào tốt, đúng, hiệu quả thì bảo vệ, trái phiếu vướng mắc thì tháo gỡ. Anh nào lợi dụng lĩnh vực này để làm không đúng quy định pháp luật thì phải xử lý, thu hồi tối đa tài sản, đảm bảo lợi ích người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề mức, hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo, nghiên cứu, đánh giá quá trình tăng trưởng của tín dụng. Trên cơ sở đánh giá tình hình lạm phát, cơ quan này sẽ đưa ra chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc về vốn cho các doanh nghiệp.

"Tại sao nền kinh tế chúng ta có tiền nhưng chưa đưa ra được thị trường? Đó là câu hỏi phải được đặt ra và giải quyết. Trong đó có nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, trách nhiệm của Bộ Tài chính", Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề.

Thủ tướng gỡ vướng từng dự án

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã báo cáo Thủ tướng cùng đoàn công tác về tình hình triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn TPHCM. Trong đó, thành phố đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm gỡ vướng cho 7 dự án lớn.

Đối với dự án nhà ga T3 của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, UBND TPHCM thành lập tổ công tác để xử lý các vấn đề còn tồn đọng. Tổ công tác này có thành phần gồm lãnh đạo TPHCM, bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành liên quan.

Quan điểm vướng đâu, gỡ đó của Thủ tướng tại buổi làm việc với TPHCM - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, TPHCM (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

"Vấn đề này đã qua nhiều hội nghị, cuộc họp mà cứ lòng vòng, không biết việc hợp tác ra sao. Chúng ta dứt khoát không bàn nữa, chỉ làm thôi và đảm bảo đúng tiến độ", Thủ tướng chỉ đạo.

Tương tự đối với dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Thủ tướng đề nghị các bên thống nhất quyết tâm phải làm bằng được, không chần chừ. Bộ GTVT chịu trách nhiệm tháo gỡ các vướng mắc về mặt thủ tục và hoàn thành công việc này trước ngày 15/12.

"Đối với dự án vành đai 3, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí đủ vốn theo cam kết của Chính phủ, không chần chừ, không nêu lý do. Tinh thần là cung cấp đủ vốn, xử lý các vướng mắc nhằm kết nối được vành đai 3 với cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn chỉnh", người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết tâm.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của UBND TPHCM về dự án tuyến metro số 1, metro số 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xử lý các vấn đề còn lại, giải quyết nhanh thủ tục vay vốn. Thủ tướng cũng nhắc lại, tinh thần chung đối với 5 dự án này là các đơn vị không chần chừ và cần phải làm ngay.

Với kiến nghị của TPHCM về đầu tư 4.500 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị chuyên môn cho 3 bệnh viện ở cửa ngõ thành phố, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan rà soát lại ngay nguồn vốn. Ngành y tế cần lựa chọn một số công trình để bố trí khoản chi hạ tầng cần thiết.

TPHCM cần làm gì thời gian tới?

"Không chủ quan trước những gì đạt được, không bi quan trước khó khăn" là điều Thủ tướng nhắc nhở TPHCM trong quãng thời gian sắp tới. Địa phương cần phát huy tối đa những thành tích đã có, khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu đề ra trong phần còn lại của năm 2022.

"Tôi chia sẻ với những khó khăn của TPHCM. Một thành phố hơn 10 triệu dân, đóng vai trò quan trọng trong vùng và cả nước, thành phố phải phát triển ngang tầm vị trí đó, tạo ra động lực, truyền cảm hứng cho các địa phương và các bộ, ngành", Thủ tướng bày tỏ.

Quan điểm vướng đâu, gỡ đó của Thủ tướng tại buổi làm việc với TPHCM - 4

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nêu các kiến nghị của địa phương với đoàn công tác (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Đối với những phần việc cụ thể, Thủ tướng yêu cầu TPHCM rà soát các công việc từ nay đến cuối năm, chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2023, tập trung vào 3 quy hoạch là quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch TP Thủ Đức.

Thủ tướng cũng thông tin, Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ phối hợp với TPHCM trong việc sửa đổi Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố. Các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của TPHCM cũng sẽ được rà soát để bổ sung vào nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Từ nay đến cuối năm, người đứng đầu Chính phủ giao TPHCM tập trung nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Địa phương phải quyết tâm cao nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công để hỗ trợ nhiều chính sách khác đi kèm, trong đó có chính sách tài khóa.

"Đối với các dự án đầu tư công, việc gì vướng mắc, liên quan thẩm quyền của các bộ ngành thì các bộ sẽ giải quyết, thẩm quyền thuộc Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết. Các vấn đề vượt cấp sẽ được báo cáo lại với cấp có thẩm quyền", Thủ tướng khẳng định.