TPHCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng nhiều dự án lớn
(Dân trí) - UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan hỗ trợ gỡ vướng cho 7 dự án lớn, trong đó có đường Vành đai 3, tuyến metro số 1, metro số 2...
UBND TPHCM vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn TPHCM. Trong đó, thành phố đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm gỡ vướng cho 7 dự án lớn.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, theo tiến độ dự kiến, sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 12/2023. Khởi công dự án vào tháng 6/2023, thông xe phần cao tốc năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Để thực hiện dự án đúng tiến độ, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, với gần 19,5 nghìn tỷ đồng cho TPHCM (ngoài nguồn vốn hơn 142 nghìn tỷ đồng đã giao).
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp và thiết bị. Tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt gần 93%. Riêng gói thầu số 4 vẫn đang tổ chức lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, sẽ hoàn thành công tác thi công vào cuối năm 2023.
UBND TP kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành liên quan hỗ trợ TP hoàn tất thủ tục, trình phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Bộ Tài chính sớm xúc tiến các thủ tục liên quan Thỏa thuận vay số 4 và tham mưu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Công ty HURC1, để kịp cho phía TPHCM báo cáo, đưa ra HĐND TP đầu tháng 12.
Bộ Giao thông vận tải sớm chủ trì ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn về thiết kế đường sắt đô thị, thi công, nghiệm thu và khai thác đường sắt đô thị… Bộ Xây dựng có ý kiến hướng dẫn về nguồn áp dụng chỉ số giá xây dựng trong nước của Hợp đồng CP1b - đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện. Dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2022, hoàn thành cuối năm 2024 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025.
UBND TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành liên quan hỗ trợ TP hoàn tất thủ tục, trình phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Bộ Tài chính hướng dẫn và thực hiện gia hạn khoản vay 1, 2 đã ký đến 2030, và thu xếp khoản vay 3 cho gói thầu CS2B hoàn thành sớm trong năm 2023.
Chính phủ cần trao đổi với phía Đức và tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan liên quan tái cam kết và thúc đẩy thu xếp tài chính cho dự án thông qua việc gia hạn các khoản vay 1, 2 đã ký đến năm 2030 và các khoản vay bổ sung như đã cam kết. Đồng thời, chấp thuận chủ trương thành lập Ủy ban điều phối dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3, ngày 10/5, UBND TP phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, trong tháng 12 khởi công đoạn từ đầu tuyến (giáp với đường Phan Đình Giót) đến đường Thăng Long. Công trình dự kiến hoàn thành tháng 9/2024.
UBND TP kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất quốc phòng cho TP thực hiện dự án (trong đó, xem xét bàn giao ngay phần diện tích khoảng 4,5ha đất trống không có tài sản trên đất cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP).
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dự án, cung cấp hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm xây dựng các công trình, nhà xưởng... và hoàn thành hồ sơ bồi thường, hỗ trợ. Đồng thời, khẩn trương cung cấp hồ sơ và xác định tài sản trên đất liên quan đến Công ty Cổ phần dệt may 7 và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tây Nam của Quân khu 7.
Dự án Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022-2027, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 16.729 tỷ đồng.
UBND TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, sớm thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 12.
Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1) và lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án (sử dụng vốn ODA từ ADB) trong tháng 12.
UBND TPHCM cũng kiến nghị bổ sung vốn thực hiện 3 bệnh viện cửa ngõ TP, nhằm giảm tải cho các bệnh viện (BV) tuyến cuối và khu vực nội thành, tạo điều kiện tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực các quận, huyện cửa ngõ thành phố và các tỉnh lân cận.
TP đã thực hiện đầu tư xây dựng 3 BV cửa ngõ 1.000 giường gồm BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, Đa khoa khu vực Hóc Môn và Đa khoa khu vực Củ Chi bằng nguồn vốn ngân sách TP, với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2025.
Để sớm đưa 3 BV vào vận hành, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025, để đầu tư 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn cho 3 BV, với tổng nhu cầu là 4,5 nghìn tỷ đồng.