1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Quan chức giàu quá dân không chịu được đâu!”

(Dân trí) - “Vụ ông Trần Văn Truyền chỉ là một thí dụ thôi, vấn đề quan trọng là phải tìm ra những “ông Truyền” khác. Phải kiên quyết làm mới được vì quan chức mà giàu quá thì dân không chịu được đâu” - đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Ngày 25/11, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương chia sẻ với báo chí những vấn đề liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về khối tài sản nhà đất của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, vấn đề tiếp theo phải tìm ra được những ông Truyền khác
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, vấn đề tiếp theo phải tìm ra được những "ông Truyền" khác

Là người thường xuyên có ý kiến về phòng chống tham nhũng, vậy xin ông cho biết quan điểm của mình về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây công bố kết luận về khối tài sản nhà đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền?

Tôi chưa nói ông Truyền có tham nhũng hay không, nhưng quan chức có tài sản bất minh lớn đến như thế mà thu hồi là biện pháp quá cương quyết.

Sự việc liên quan đến khối tài sản của ông Truyền đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ và mới đây Thanh tra Chính phủ cũng cho biết việc ông Truyền bổ nhiệm hơn 60 cán bộ trước khi về hưu trong đó có một số trường hợp có khuyết điểm đã được xem xét xử lý. Từ vấn đề liên quan đến ông Truyền, bước tiếp theo cơ quan chức năng nên xử lý thế nào?

Đã bị thu hồi thì rõ ràng là có sai. Do vậy, phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm vì sao có ngôi nhà đó. Anh có lợi dụng chức vụ quyền hạn không, có nhập nhằng hay không. Điều này kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói rõ, cùng với việc thu hồi thì phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.

Tùy theo mức độ vi phạm của ông Truyền để kiểm điểm làm rõ ràng trách nhiệm ra sao. Ông Truyền thuộc diện Ban Bí thư quản lý thì trước hết Ủy ban trung ương kiểm tra. Còn nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo con đường nhà nước.

Được biết ông Tuyền muốn mua lại căn nhà bị thu hồi. Trường hợp Nhà nước bán lại cho ông Truyền theo giá thị trường thì có phù hợp hay không?

Đề xuất mua lại là quyền của người ta nhưng theo tôi trường hợp này thì phải thu hồi để thể hiện sự minh bạch. Còn nếu bán lại cho ông Truyền thì rất nhập nhằng, khó giải thích.

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ biệt thự ở xã Sơn Đồng (tỉnh Bến Tre) đứng tên con ông Truyền - một cán bộ Cảnh sát giao thông còn trẻ nhưng đã có khối tài sản lớn đến vậy liệu có gì bất thường không, thưa ông?

Làm giàu từ trí tuệ là điều đáng mừng, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, lại là cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thì khó lắm. Một người còn trẻ mà có khối tài sản lớn đến vậy, ẩn sau nó là vấn đề không bình thường. Cũng có thể tài sản đó do thừa kế hay bằng tài năng của con ông Truyền, thì cũng nên làm rõ.

Sau câu chuyện của ông Truyền, người dân đặt ra câu hỏi liệu trong xã hội còn bao nhiêu người như ông Truyền đã “hạ cánh” an toàn?

Vấn đề là phải tìm ra những “ông Truyền” khác, mà ông Truyền chỉ là một thí dụ thôi. Phải kiên quyết làm những người khác nữa. Bởi vì những quan chức mà giàu quá thì dân không chịu được đâu!

Từ câu chuyện của ông Trần Văn Truyền, chúng ta có nên siết lại việc sử dụng nhà công vụ hay không?

Việc này trong luật nhà ở có rồi. Nhà công vụ bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Thời bao cấp trước đây người ta mới lạm dụng sử dụng nhà công vụ - nhiều người không ở nhưng đem cho thuê, thậm chí biến thành nhà riêng.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)