“Quá sớm để thu phí phương tiện”
(Dân trí) - Phương án “đánh thuế” ô tô cá nhân khi đi trên đường hay ùn tắc tại TPHCM vừa được đề xuất trình thường trực HĐND thành phố liền sau đề án thu phí lưu thông, Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng có ý kiến khẳng định “chỉ là nghiên cứu”.
Về đề xuất thu phí giao thông của TPHCM, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phân tích, đó là giải pháp của “tương lai”. Ông Dũng khẳng định các khoản phí là cần thiết để thể hiện sự công bằng đối với các phương tiện tham gia giao thông. Các loại ô tô cá nhân sử dụng hạ tầng giao thông nhiều, chiếm diện tích lớn trên mặt đường, gây ảnh hưởng tới môi trường… thì phải đóng góp để “bù đắp” mức chiếm dụng đó. Đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện công cộng thì không phải đóng phí hoặc mức đóng góp hạn chế hơn nhiều.
Theo ông Dũng, điều này được hiểu như một nghĩa vụ và trên thế giới, nhiều nước cũng áp dụng cách đánh giá như vậy. “Những khoản phí này cũng có tác dụng trực tiếp tới cố gắng giảm ùn tắc giao thông. Nó giúp hỗ trợ việc nâng cấp, duy tu bảo dưỡng, cải thiện hạ tầng giao thông. Đặc biệt khoản phí này để khuyến khích phát triển giao thông công cộng. Điều này rất cần thiết” - ông Dũng khẳng định.
Bộ trưởng GT-VT cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có chương trình nghiên cứu về các khoản phí này, trong đó yêu cầu 2 thành phố Hà Nội và TPHCM phối hợp nghiên cứu. TPHCM đưa ra đề xuất trên cơ sở đó.
Về nguyên tắc, theo Bộ trưởng, phương tiện cơ giới tham gia giao thông, người tham gia giao thông, sử dụng hạ tầng giao thông cần phải đóng phí. Tuy nhiên về thời điểm áp dụng, ông Dũng cho rằng cần cân nhắc: “Tôi nghĩ hiện tại chỉ nên nghiên cứu và tham khảo phương án này. Thời điểm chưa thích hợp khi chúng ta đang phải tiết kiệm, chống lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Trong khi giá cả tăng, đời sống có biến động khó khăn, thêm một khoản phí đánh vào thời điểm này, theo tôi hơi sớm”.
Về tính khả thi của việc thu phí phương tiện lưu thông trên những tuyến đường dễ ùn tắc cũng như đề án thu phí lưu thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng lưu ý phải nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số nước phát triển. Ông Dũng nêu ví dụ, nhiều thủ đô hay các thành phố lớn trên thế giới đều áp dụng các biện pháp tương tự: Phân chia khu phố hạn chế xe, giảm lượng phương tiện bằng cách chia biển chẵn - lẻ…
Đầu tuần này, UBND TPHCM đưa ra đề xuất tính phí lưu hành hàng năm với ô tô, xe máy. Theo đề xuất, mỗi xe máy phải đóng 500.000đ, ô tô dưới 7 chỗ là 10 triệu đồng mỗi năm. Thành phố cũng có ý kiến tăng gấp đôi phí trước bạ, phí đậu đỗ xe để hạn chế gia tăng phương tiện, chống ùn tắc giao thông. Cuối tuần, thành phố lại đề xuất lên thường trực HĐND thu phí phương tiện giao thông khi đi trên những đường phố hay ùn tắc. Thành phố chủ trương đầu tư hệ thống thu phí giao thông điện tử ERP với công nghệ định vị toàn cầu GPS để kiếm soát ô tô cá nhân lưu thông thường xuyên ở những tuyến đường hay ùn tắc trong ngày. Chủ phương tiện sẽ phải đóng phí theo lượng lưu thông “đo” được bằng hệ thống. Phương án này được cho là một công cụ để hạn chế sự phát triển phương tiện “con nhà giàu” này, cũng như góp phần giải quyết ùn tắc cho giao thông thành phố. |
P.Thảo