DNews

Phút lao vào "biển lửa" cứu người và câu chuyện về vị chỉ huy nghiêm khắc

Hải Nam Hải Đường

(Dân trí) - Trong cuộc sống hàng ngày, Thiếu tá Phạm Hùng Trường vốn là một người thân thiện, gần gũi, hòa nhã, nhưng trên thao trường, anh "lột xác" và nổi tiếng là một cán bộ huấn luyện "cực rắn".

Phút lao vào "biển lửa" cứu người và câu chuyện về vị chỉ huy nghiêm khắc

Tối 19/1, Thiếu tá Phạm Hùng Trường (Phó trưởng ban Tham mưu, Trung đoàn Đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) đang đưa con đi học thêm bất ngờ nghe tiếng chủ nhà và quần chúng nhân dân hô hoán có đám cháy bùng phát tại tầng 3 căn nhà số 96B, ngõ 26 Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Nhận thấy tình huống nguy hiểm và biết được bên trong còn có người mắc kẹt, bằng phản xạ nhanh, nhạy của người lính đặc nhiệm, bất chấp hiểm nguy, ngay lập tức Thiếu tá Phạm Hùng Trường lao vào "biển lửa".

Lao vào "biển lửa" cứu cụ bà

Thời điểm ngọn lửa bùng cháy, Thiếu tá Trường được gia đình cầu cứu vì cụ bà hơn 80 tuổi vẫn chưa thể thoát nạn. Không suy nghĩ nhiều, Thiếu tá Trường đã nhanh chóng lao lên tầng 2 phối hợp cùng gia đình kịp thời đưa bà cụ ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Khi biết tất cả các thành viên trong gia đình đã được đưa đến khu vực an toàn, Thiếu tá Trường tiếp tục trèo lên mái tôn tầng 2 nhà kế bên, kiểm tra khu vực xung quanh và đám cháy.

Bằng con mắt "nghề", Thiếu tá Trường nhận định nếu không khẩn trương khống chế, đám cháy sẽ nhanh chóng lan ra diện rộng, đe dọa đến các hộ dân lân cận.

Vì vậy, khi tìm thấy nhiều bể nước của các hộ dân, Thiếu tá Trường hô hoán người dân hỗ trợ, phối hợp khẩn trương dập lửa nhằm tạm thời khống chế, không để đám cháy lan ra diện rộng, đợi lực lượng Phòng cháy, chữa cháy Công an thành phố Hà Nội và phương tiện chuyên dụng tới dập tắt đám cháy hoàn toàn.

Phút lao vào biển lửa cứu người và câu chuyện về vị chỉ huy nghiêm khắc - 1

Hiện trường vụ cháy khi đó (Ảnh: MXH).

Trong quá trình chữa cháy và cứu nạn, mặc dù bị thương ở tay, song Thiếu tá Trường vẫn không nề hà, phối hợp cùng nhân dân và lực lượng chức năng tham gia chữa cháy. Chỉ khi đám cháy đã được khống chế hoàn toàn, Thiếu tá Trường mới đồng ý để người thân đưa đến Bệnh viện Bưu điện để xử lý vết thương.

Nói về cách cứu người và xử lý ban đầu đám cháy, Thiếu tá Trường cho biết bản thân trực tiếp là người huấn luyện lính đặc nhiệm các kỹ năng, thao tác xử lý tình huống nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn cho đối tượng cảnh vệ như xử lý sự cố cháy nổ, giải cứu con tin trên nhà cao tầng… nên khi phát hiện đám cháy, anh đã vận dụng các kỹ năng vốn có để cứu người và xử lý đám cháy ban đầu trong thời gian nhanh nhất có thể.

Hành động dũng cảm trên của Phó trưởng ban Tham mưu, Trung đoàn Đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã được UBND phường Định Công biểu dương khen thưởng.

Ngại ngùng chia sẻ về điều này, Thiếu tá Trường nói đây là việc làm quá đỗi bình thường. "Ai vào tình huống của mình, nhất là cán bộ chiến sĩ công an cũng sẽ hành động như vậy", anh Trường bộc bạch.

Người chỉ huy "cực rắn" trên thao trường

Sinh năm 1982 tại Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và khi vừa tròn 20 tuổi, anh Trường đăng ký thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân và thực hiện nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Luôn xác định rõ mục tiêu phấn đấu của mình, 3 năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, anh Trường chính thức được tuyển lại công tác lâu dài trong lực lượng Cảnh vệ.

Sau 6 năm "nam tiến", đầu quân cho Phòng Cảnh vệ miền Nam thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tháng 10/2012, anh Trường được điều động về nhận công tác tại Trung đoàn Đặc nhiệm - đơn vị được mệnh danh là "Quả đấm thép" của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, có trách nhiệm thường xuyên luyện tập, sẵn sàng cơ động chiến đấu nhằm ngăn chặn, trấn áp kịp thời các hoạt động bạo loạn, khủng bố, ám sát, bắt cóc con tin là đối tượng cảnh vệ, các loại tội phạm khác xảy ra trong địa bàn khu vực bảo vệ.

Phút lao vào biển lửa cứu người và câu chuyện về vị chỉ huy nghiêm khắc - 2

Thiếu tá Trường (người đang đứng) trên thao trường huấn luyện (Ảnh: BTL Cảnh vệ).

Khi đó, Thiếu tá Trường được Chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách công tác huấn luyện đặc nhiệm.

Trong cuộc sống hàng ngày, Thiếu tá Phạm Hùng Trường vốn là một người thân thiện, gần gũi, hòa nhã, nhưng trên thao trường, anh lột xác và nổi tiếng là một cán bộ huấn luyện "cực rắn".

"Do tính chất nhiệm vụ của đơn vị, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lính đặc nhiệm luôn phải đối mặt với đối tượng đấu tranh manh động, được trang bị vũ khí nóng, hiện đại, với những tình huống đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi người lính cảnh vệ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu; có thể lực, thành thạo các kỹ năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình.

Không chỉ đối mặt với hiểm nguy trong chiến đấu, mà ngay trong quá trình huấn luyện, nếu không cẩn trọng, không tuân thủ nghiêm túc kỷ luật thao trường, để xảy sơ suất có thể phải đánh đổi cả tính mạng của mình", Thiếu tá Trường chia sẻ về lý do anh "cực rắn" trên thao trường.

Phút lao vào biển lửa cứu người và câu chuyện về vị chỉ huy nghiêm khắc - 3

Thiếu tá Trường huấn luyện các kỹ năng di chuyển, sử dụng vũ khí (Ảnh: BTL Cảnh vệ).

Thượng úy Đào Duy Huân (Phó Trung đội trưởng Trung đội đặc biệt tinh nhuệ) kể lại, rằng thời gian đầu khi làm việc với anh Trường, các chiến sĩ, nhất là số cán bộ trẻ rất sợ bởi sự nghiêm khắc và những yêu cầu rất cao của anh trên thao trường.

"Nhưng rồi sau một thời gian làm việc mới hiểu được mong muốn của anh. Anh muốn CBCS của mình khi thực hiện nhiệm vụ, trong bất kỳ điều kiện thời tiết, địa hình nào cũng có thể vận dụng thành thạo, linh hoạt các kỹ năng tác chiến, không chỉ bảo vệ an toàn cho đối tượng cảnh vệ mà còn đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân và đồng đội", Thượng úy Đào Duy Huân nói.

Không chỉ trực tiếp tham gia huấn luyện, trên cương vị là Phó Trưởng ban Tham mưu phụ trách công tác huấn luyện, từ kinh nghiệm của bản thân, kiến thức thu được qua những đợt tập huấn, cùng cơ sở nghiên cứu, tài liệu huấn luyện đặc nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Thiếu tá Trường đã tham mưu chỉ huy Trung đoàn Đặc nhiệm xây dựng hoàn chỉnh bộ tài liệu huấn luyện cho sĩ quan đặc nhiệm.

Trong đó, bộ tài liệu đặc biệt chú trọng rèn luyện thể lực, võ thuật, bắn súng; sử dụng thành thạo vũ khí trang thiết bị nghiệp vụ; huấn luyện các kỹ năng leo, trèo tiếp cận mục tiêu ở điểm cao, kỹ năng vượt chướng ngại vật, kỹ năng sinh tồn… Xây dựng các mô hình tập luyện, phương án tác chiến và các bài tập đảm bảo sát với thực tế, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Nói về đồng đội của mình, Đại tá Đặng Xuân Lộ (Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc nhiệm) cho biết, Thiếu tá Phạm Hùng Trường hội tụ đầy đủ tố chất của một chỉ huy làm công tác huấn luyện với năng lực vượt trội, tinh thần trách nhiệm; luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi phương pháp và nội dung huấn luyện tối ưu, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của đơn vị.

Kiên trì, bền bỉ, Thiếu tá Phạm Hùng Trường đã, đang có những đóng góp quan trọng, góp phần đào tạo nên những người lính đặc nhiệm đặc biệt tinh nhuệ của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.