Chuyên gia Phạm Chi Lan:
“Phụ nữ dịu dàng vẫn thể hiện được sự quyết liệt”
(Dân trí) - Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, công việc cũng như vai trò quản lí của bà không hề bị ảnh hưởng bởi phong thái… nhẹ nhàng. Sự quyết liệt, theo bà không cần phải thể hiện bằng sự nổi nóng hay “quát tháo” ầm ầm…
Không giỏi kinh tế nhất trong gia đình!
Người ta hay nói, đằng sau sự thành công của một người đàn ông là một người phụ nữ. Còn đằng sau sự thành công của một người phụ nữ như bà…?
Tôi nghĩ, bất cứ người nào cũng không phải là một Robinson trên hoang đảo mà cần một xã hội, một môi trường cho mình làm việc và phát huy. Gia đình là một môi trường vô cùng quan trọng để mình sống. Tôi học được rất nhiều và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ cũng như các anh em. Còn đối với gia đình nhỏ của tôi, phải nói nhà tôi vừa là một người bạn thực sự vừa là người chia sẻ, ủng hộ tôi rất nhiều trong công việc.
Được biết, ông xã của bà cùng học với bà về kinh tế, con trai bà cũng làm về kinh doanh. Vậy trong gia đình nhỏ của bà, liệu bà có là người giỏi nhất về kinh tế?
Mỗi người chúng tôi một lĩnh vực khác nhau. Tôi thì do yêu cầu về công việc ở VCCI (Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam) trước đây, với tính chất phục vụ cộng đồng, thường phải làm nhiều hơn vấn đề về vĩ mô. Dù cùng học với tôi, nhà tôi ngay sau khi ra trường đã về làm ở đơn vị kinh doanh.
Nếu giờ bảo đổi lại để tôi đi làm kinh doanh thì không thể bằng nhà tôi được. Còn con trai tôi, ngay từ khi ra trường cũng làm việc cho công ty tư nhân rồi sau này thành lập công ty riêng của mình. Đến giờ cách vận hành một công ty TNHH thuộc khu vực tư nhân như nó, có lẽ cả tôi lẫn nhà tôi đều không làm được như thế…
Nhưng rõ ràng, con trai cũng được thừa hưởng nhiều từ gien kinh tế của bố mẹ?
Cũng có chứ. Trong gia đình, chúng tôi cũng hay trao đổi với nhau và có lẽ cái con trai được hưởng nhiều nhất từ cha mẹ là quan niệm làm việc và phát triển phải bằng năng lực của mình. Không cúi lưng, không cúi đầu mà phải cố gắng trau đồi bằng kiến thức, năng lực của mình mà phát triển lên.
Phải nói trong suốt quá trình làm việc, nó đã từ chối tất cả những việc như phải hối lộ để được cái này cái khác.
Nhưng như vậy cũng sẽ có những thua thiệt?
Tất nhiên! Có những dự án của nhà nước, con trai tôi được mời hẳn hoi, nhưng không tham gia nổi vì họ đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được.
Nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát
Thực ra cũng phải nói, sự dịu dàng, nhẹ nhàng là tính cách của từng con người. Nhưng phụ nữ mà lúc nào cũng mềm mại quá thì không thể được. Công việc đòi hỏi quyết liệt, cũng phải quyết liệt chứ. Nếu công việc mà lúc nào cũng nhượng bộ theo cách hiểu là dịu dàng, nhẹ nhàng sẽ không thể làm việc được.
Để phục vụ được cộng đồng, khi đã nghĩ, khi đã được cộng đồng giao trách nhiệm nói thay họ, mình phải nói tới cùng. Lúc đó không có quyền nghĩ đến mình. Nếu sợ nói thế mất lòng vị này vị kia, từ đó có thể bị ảnh hưởng đến lợi ích hay vị trí của mình thì không thể được.
Có khi nào bà thấy, cách nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng khiến mình bất lợi trong việc thuyết phục người khác, nhất là khi đang công tác, đang đảm nhận ví trí quản lí?
Thực ra, ở cơ quan lúc tôi còn làm việc, mọi người thường nói rằng, cách nói của mình nhẹ nhàng, nhưng nội dung dứt khoát. Tôi nghĩ, cái chính là phải thể hiện được thái độ của mình trong công việc. Mình yêu cầu như thế này và phải đạt cho được, chứ không nhất thiết mình cứ phải nổi nóng lên hoặc quát tháo ầm ầm mới là quyết liệt.
Trong gia đình thì lại là chuyện khác. Tôi nghĩ cả nhà tôi sống với nhau rất hoà thuận và cũng chẳng cần đến sự quyết liệt bao giờ.
Không thiếu chuyên gia nữ giỏi
Có rất nhiều người của phái yếu được đào tạo về kinh tế, trong đó có không ít được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Vậy nhưng, có cảm giác rằng, rất ít phụ nữ có “tiếng tăm” ở lĩnh vực này, thưa bà?
Thực ra đấy là mình quan niệm danh tiếng theo một cách bó hẹp thôi. Thực tế, có rất nhiều người giỏi và họ có danh tiếng trong lĩnh vực của họ. Có thể địa bàn làm việc của họ hẹp hơn một chút nên không được nhiều người biết đến một cách rộng rãi.
Tôi nói ví dụ thế này, tôi rất phục và quý chị Đinh Thị Hiền Minh ở Viện nghiên cứu kinh tế TƯ. Làm nghiên cứu với chị ấy sẽ thấy được sự uyên bác cũng như phong cách làm việc của một người trí thức, rất đường hoàng, chững chạc, chín chắn, nhận định sắc sảo, có chiều sâu và cũng rất tỉnh táo trong các công việc.
Hay như chị Lan Hương, một nữ nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng là người rất trẻ mà giỏi và tôi rất phục. Chỉ có điều, có thể trong lĩnh vực lao động, chị Lan Hương rất nổi, còn trong lĩnh vực nghiên cứu thì chị Hiền Minh nổi tiếng nhưng không rộng ra trong xã hội như một vài người có điều kiện tiếp xúc rộng hơn.
Nhưng thực tế, người ta vẫn chưa thấy những phụ nữ trẻ xuất hiện nhiều trước công chúng để trao đổi, bình luận, đánh giá về những vấn đề kinh tế?
Có thể là khi độ tuổi đã đạt đến một mức độ nhất định và điều kiện làm việc rộng ra mới có thể tiếp xúc rộng với các vấn đề kinh tế khác nhau và thường được trao đổi, được hỏi ý kiến trong nhiều vấn đề. Còn những người nghiên cứu, khi tập trung vào lĩnh vực của mình, có thể vấn đề người ta nghiên cứu tương đối hẹp nên trong chuyên ngành đó, họ rất nổi tiếng, rất thành đạt nhưng khi hỏi những vấn đề rộng, vĩ mô, chưa chắc báo chí tìm đến những người đó.
Tôi nghĩ đấy là lý do chính, còn trong lực lượng chuyên gia của ta hiện nay, cả nam lẫn nữ, không thiếu những người giỏi nhưng khi lên truyền hình, lên báo chí thì chỉ có một số gương mặt, khoảng 10 người… Tôi cũng nghĩ truyền thông nên thay đổi cách làm, nên mở rộng hơn ra.
Nhưng trong cơ chế và quan niệm hiện nay cũng có những hạn chế để những người trẻ nói chung có đất để thể hiện mình, thưa bà?
Xã hội mình phần nào ảnh hưởng từ phong kiến trước đây và hệ thống cấp bậc hiện nay. Hiện nay, chính chúng ta cũng đang tạo nên chuyện không trọng chuyên gia bằng trọng cấp bậc.
Khi trọng cấp bậc quá thì vô hình chung những người chưa đủ để đạt được cấp bậc nhất định sẽ không được phát huy năng lực, hoặc tiếng nói của mình không được lắng nghe bằng tiếng nói của người có cấp bậc hơn.
Đấy là cái thiệt cho những người trẻ của chúng ta, bởi nhìn vào hầu hết các cơ quan nhà nước hiện nay, công việc, vị trí quan trọng vẫn nằm ở tay những người có độ tuổi nhất định. Tầm 40 tuổi mà giữ một chức vụ gì đã được coi là trẻ thì tôi nghĩ cũng là một cái thiệt.
Nhưng một mặt khác, ở những người trẻ tôi cũng vẫn cảm nhận, họ có một phần nào đó rụt rè và chưa thật quyết liệt lắm…
Xin cảm ơn bà!
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)