1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phú Thọ:

Phòng TN&MT than khó quản nguồn dầu thải của Công ty gốm sứ Thanh Hà

(Dân trí) - Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thừa nhận, khó quản lý dầu thải của Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) vì phía doanh nghiệp đã ký hợp đồng với một đơn vị đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại nhưng lại vẫn tự ý bán ra ngoài cho người khác.

Đường đi "zích zắc" của 10 thùng dầu thải gây nên "cuộc khủng hoảng" nước sạch Sông Đà (Video: Tiến Phạm - Nguyễn Trường)

Trao đổi với PV Dân trí sáng 22/10, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó trưởng Phòng TN&MT thị xã Phú Thọ - cho biết, Phòng này dù thuộc cấp cơ sở nhưng không quản lý trực tiếp Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH) - nơi cung cấp dầu thải cho các nghi can đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà (tỉnh Hòa Bình).

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an ngày 19/10 vừa qua, ông Dũng cho biết bản thân đại diện cho đơn vị phối hợp với các bên làm việc với công ty CTH.

“Phía cơ quan chỉ tham gia với vai trò là người chứng kiến nội dung biên bản giữa Cục Cảnh sát môi trường với công ty” - ông Dũng nói.

Thông tin về chức năng nhiệm vụ của Phòng TN&MT ở địa phương, ông Dũng cho hay đơn vị chỉ phối hợp, tham gia vào các đoàn kiểm tra đối với vấn đề quản lý chất thải nguy hại.

“Ví dụ doanh nghiệp có vấn đề phát sinh chất thải nguy hại trong quá trình vận hành thì sẽ báo cáo với Sở TN&MT để kiểm tra đột xuất” - ông Dũng cho hay.

Lãnh đạo Phòng TN&MT chia sẻ thêm, phía đơn vị có thể chủ trì thành lập một đoàn kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn nhưng nếu Sở TN&MT đã đi kiểm tra rồi thì Phòng TN&MT sẽ không đi kiểm tra nữa. Quy định này nhằm tránh sự chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Phòng TNMT than khó quản nguồn dầu thải của Công ty gốm sứ Thanh Hà - 1

Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà tuồn dầu thải ra bên ngoài cho cá nhân không đủ năng lực xử lý chất thải nguy hại (Ảnh: Nguyễn Trường).

Với quy định pháp luật hiện hành, ông Dũng khẳng định nếu Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà xử lý dầu thải đúng quy trình thì không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

“Về mặt pháp lý, phía công ty đã ký hợp đồng với 1 đơn vị đủ tư cách pháp nhân, chức năng xử lý dầu thải. Theo báo cáo của công ty cũng rất đầy đủ… nhưng đây lại xử lý ngoài quy trình nên mọi việc mới như vậy” - ông Dũng phân tích.

Tiếp tục chia sẻ về vai trò quản lý của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất, ông Dũng thừa nhận công tác quản lý về vấn đề này gặp nhiều khó khăn.

“Nói thực sự ra rất là khó. Ông ký hợp đồng với đơn vị xử lý rồi nhưng lại tự ý bán ra ngoài như thế. Nếu biện pháp quản lý ở đây thì thực sự là khó thật, không khác gì bán trộm” - ông Dũng than và cho biết, qua vụ việc vừa xảy ra, phía Phòng TN&MT sẽ tham mưu cho Sở TN&MT để có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Được biết, Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà đang ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty Cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình.

Việc quản lý chất thải nguy hại, phía Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà phải báo cáo Chi Cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) định kỳ 6 tháng/lần.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành vừa qua, khi kiểm tra thực tế phát hiện phía công ty này đã quản lý chất thải nguy hại (dầu thải) không đúng quy định.

“Công ty có kho lưu giữ chất thải nguy hại riêng biệt, có dán biển cảnh báo theo quy định. Tuy nhiên, công ty không đưa các téc dầu thải và các thùng dầu thải vào trong kho này để quản lý mà lại lưu giữ tại kho vật tư để phục vụ việc tái sử dụng trong quá trình sản xuất gạch” - biên bản làm việc nêu rõ.

Ngày 7/10, Nguyễn Chương Đại (SN 1994, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, quê ở Lạng Sơn) được Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Bắc Ninh) thuê lái xe tải đi từ Hưng Yên đến Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà lấy dầu thải.

Trước đó, Vũ đã thỏa thuận miệng với bà Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1988, nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà) để thu gom, vận chuyển xử lý dầu thải với giá 1.000 đồng/lít.

Sau khi hút được khoảng 8.830 kg dầu thải, Đại, Thám và Vũ điều khiển xe ô tô về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 (ở tỉnh Hưng Yên) gửi xe.

Đến ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ sử dụng xe ô tô tải trên và xe ô tô 4 chỗ BKS 89A - 137.66 chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tiến hành đổ trộm rồi cùng nhau bỏ trốn.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường”.

Đến thời điểm hiện tại, Đại, Thám và Vũ đang bị cơ quan công an tạm giữ hình sự để điều tra, làm rõ đổ trộm 10m3 dầu thải.

Đồng thời, bà Huyền Trang và ông Trần Thành Trung (SN 1975, phụ trách kho vật tư Công ty CTH) - người thay bà Trang chuyển giao dầu thải - cũng đang phải phối hợp với cơ quan công an để điều tra rõ vụ việc.

Nguyễn Trường