Lời xin lỗi “đãi bôi” của Công ty nước sạch sông Đà tới 250.000 hộ dân Thủ đô!
(Dân trí) - Vài ngày sau vụ nước sạch nhiễm dầu thải, lãnh đạo cao nhất của Công ty nước sạch sông Đà (ông Nguyễn Văn Tốn, Nguyễn Đăng Khoa) từ chối xin lỗi 250 nghìn hộ dân Hà Nội phải dùng nước bẩn. Động thái xin lỗi chỉ được công bố trên mạng nội bộ của doanh nghiệp nửa tháng sau "cuộc khủng hoảng nước sạch" khiến hàng triệu người dân Thủ đô khổ sở, thiệt hại.
"Cuộc khủng hoảng" nước sạch của 18% dân số Hà Nội ở khu vực Tây Nam thành phố bắt đầu từ ngày 10/10. Thời điểm đó, khoảng 250.000 hộ dân sử dụng nước sạch do Công ty nước sạch sông Đà cung cấp phát hiện nước nặng mùi Clo, kèm theo đó là mùi khét lẹt như cao su cháy.
Cùng thời điểm người dân Thủ đô phát hiện nước bốc mùi khó chịu, ở phía thượng nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà, cơ quan chức năng xác định, hàng tấn dầu thải đã bị đổ xuống hồ Đầm Bài, từ một dòng suối đổ vào hồ chứa này, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất nước sạch của Công ty nước sạch sông Đà.
Đáng nói là với tình trạng nguồn nước đầu vào ô nhiễm như vậy, hàng trăm ngàn mét khối nước “sạch” vẫn được Công ty này cho "ra lò" trong những ngày đó, được bơm vào đường ống dẫn đưa về bán cho người dân Thủ đô.
Như vậy, có thể nói nước sông Đà có mùi "lạ" như vậy chỉ là "lạ" với hàng triệu người dân Thủ đô, chứ lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà đã biết nguyên nhân của việc này là do nước nhiễm dầu thải độc hại. Tuy nhiên, nhà cung cấp đã không thông báo kịp thời về sự cố cho “thượng đế” của mình. Chỉ đến buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 15/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới thông tin “dầu thải đã chảy vào nước ăn của người dân”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dầu thải đổ từ con suối đầu nguồn nước trên Hòa Bình đã chảy vào hồ Đầm Bài cung cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà. Do nhà máy không kiểm soát tốt nên dầu chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. "Cuộc khủng hoảng" nước sạch khiến hàng triệu người dân Hà Nội khốn đốn, hoang mang nhiều ngày liên tục.
Gần một tuần nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, trong cuộc họp báo chiều 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch sông Đà vẫn loanh quanh cho rằng, nước sạch do công ty này sản xuất ra đạt tiêu chuẩn nên doanh nghiệp vẫn sản xuất nước, bán cho người dân Thủ đô.
Lật đi lật lại trách nhiệm lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà khi đó, báo giới phản ánh việc dư luận khi đó đòi hỏi những người chịu trách nhiệm đưa ra lời xin lỗi chính thức với người dân Thủ đô phải dùng nước nhiễm dầu trong gần 1 tuần. Trái với sự mong đợi của dư luận, ông Nguyễn Văn Tốn vẫn quyết "kiệm lời" xin lỗi khách hàng. Ông này chỉ lòng vòng nói về quy trình nội kiểm nguồn nước công ty sản xuất ra vì sao vẫn đạt tiêu chuẩn.
Cuối buổi họp báo, ông Tốn cho rằng, bản thân mình cũng chỉ là người làm thuê, nên nếu dừng cấp nước thì rất an toàn cho bản thân nhưng "vì cái tâm duy nhất với người dân" nên vẫn phải thực hiện việc bán nước dù trong thâm tâm ông Tốn thời điểm đó "có 80% muốn dừng cấp nước".
Thực tế, tại thời điểm đó, Công ty nước sạch sông Đà vẫn không dừng cấp nước để thau rửa bể chứa, súc xả đường ống.
Con suối bị nhiễm dầu thải dẫn nước ra Đầm Bài
Đến ngày 17/10, trong buổi họp báo tại Hòa Bình, ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà vẫn từ chối nói về trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, với lý do vụ việc đang được cơ quan công an tiến hành điều tra. Ông Khoa cũng từ chối thay mặt công ty này gửi lời xin lỗi đến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Động thái của cả hai lãnh đạo cao nhất của Công ty nước sạch sông Đà gây làn sóng phẫn nộ mới từ người dân khi các ông này đều từ chối xin lỗi 250.000 hộ dân khu vực Tây Nam Hà Nội phải dùng nước nhiễm dầu. Việc lãnh đạo cao nhất của Công ty nước sông Đà kiệm lời xin lỗi với “thượng đế”, nhiều người cho rằng, chỉ có ông Nguyễn Văn Tuấn Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX (chủ sở hữu 65% của Nhà máy nước sạch Sông Đà) là người hiểu rõ nhất.
Trao đổi với báo chí, ông Tuấn giải thích: "Xin lỗi là việc rất nhỏ. Đây là việc quá dễ và ai cũng làm được". Ông Tuấn hứa, sau khi xử lý nước sạch trở lại xong, đơn vị này không những xin lỗi mà còn xin chịu trách nhiệm. Chủ tịch GELEX cũng thanh minh, bản thân, ông Tốn xuất phát từ dân kỹ thuật và “do trình độ có hạn” nên hoảng hốt luống cuống trong việc xử lý vụ việc.
Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước trong sự việc này, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà (đại diện cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước) bày tỏ bức xúc: "Rõ ràng không phải bàn gì nhiều về tính chất hành vi trong trường hợp này. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã không đưa ra những giải pháp đúng đắn và kịp thời với sự cố. Họ đã không nghĩ đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, không lường hết những hệ quả, tác hại gây ra".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà dùng từ "hết sức vô trách nhiệm", "thiếu hiểu biết" để khái quát về những quyết định, hành xử của lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà. Bộ trưởng bày tỏ đồng cảm với những bức xúc, phẫn nộ của người dân trong trường hợp này khi bản thân ông và gia đình cũng phải ăn uống nguồn nước ô nhiễm khi sống trong khu vực do Công ty nước sạch sông Đà cung cấp.
"Gia đình tôi cũng mất 3 ngày ăn uống nguồn nước nhiễm dầu đó mà không hay biết" - Bộ trưởng TN-MT nói về tự tắc trách của doanh nghiệp cung cấp nước khi "lờ" thông tin nguồn nước bị ô nhiễm.
Công ty nước sạch sông Đà đăng lời xin lỗi 250.000 dân Thủ đô trên mạng nội bộ
Sau tất cả những bức xúc đó, thực hiện lời hứa của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX Nguyễn Văn Tuấn, nửa tháng sau sự cố 250.000 hộ dân phải ăn uống, tắm giặt… nước nhiễm dầu thải, sáng sớm nay, 25/10, trên trang web của Công ty nước sạch sông Đà mới đưa ra một thông cáo báo chí thông báo doanh nghiệp đã hoàn tất khắc phục sự cố, đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại, đồng thời xác định được nguyên nhân, bản chất vụ việc.
Trong văn bản được công bố, sau đó được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, Công ty nước sạch sông Đà "mong những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ". Lời hối lỗi nêu ra lúc này thể hiện việc lãnh đạo công ty ý thức được rằng, sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của người dân mới là tổn thất lớn nhất đối với doanh nghiệp.
Điều đáng nói, trong văn bản, Công ty nước sạch sông Đà đưa ra lời hứa cung cấp miễn phí nước 1 tháng cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong sự cố. Tuy nhiên, khách hàng chỉ được cấp miễn phí nước trong thời kỳ xảy ra sự cố, tức miễn phí cho cả tuần dùng... "nước bẩn"!
Quang Phong