Phòng ngừa sự cố môi trường khi hồ thượng nguồn sông Hồng xả lũ
(Dân trí) - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có công văn số 5856 triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường khi các hồ thượng nguồn hệ thống sông Hồng xả lũ trong mùa mưa bão.
Theo đó, để chủ động phòng chống sự cố môi trường khi các hồ thượng nguồn xả lũ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng xấu đến môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố.
Cụ thể, rà soát toàn bộ các đơn vị hoạt động trên địa bàn gồm: Các cơ sở kinh doanh, sử dụng hóa chất; các bãi tập kết rác thải, khu xử lý chất thải tập trung; cơ sở kinh doanh xăng dầu; cơ sở kinh doanh, khai thác cảng; cơ sở khai thác khoáng sản và khu vực có khả năng gây ô nhiễm cao...
Qua đó yêu cầu các chủ cơ sở khẩn trương xây dựng phương án phòng ngừa sự cố môi trường khi xảy ra mưa lũ, đồng thời triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất; di chuyển chất cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông. Các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, cơ sở kinh doanh, khai thác khoáng sản ven sông tạm dừng hoạt động nhằm đảo bao an toàn trong thời gian các hồ thượng nguồn hệ thống sông Hồng xả lũ.
Khi xảy ra sự cố môi trường, sự cố tràn dầu hoặc sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ sở xảy ra sự cố tổ chức ứng cứu theo các bước: Xác định nguyên nhân gây sự cố để có kế hoạch thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố phù hợp. Cứu người bị nạn và sơ tán người ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng. Ngăn chặn khả năng tiếp tục rò rỉ, phát tán hóa chất, xăng dầu ra ngoài môi trường; ngăn ngừa nguy cơ gây cháy, nổ hóa chất, xăng dầu, hủy bỏ các nguồn đánh lửa, thông gió khu vực tràn đổ.
Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ phù hợp với đặc tính hóa chất gây sự cố. Khoanh vùng khu vực sự cố, cô lập nơi nguy hiểm, kiểm soát an ninh. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ ra vào khu vực sự cố; sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân phù hợp cho người làm công tác ứng phó sự cố….
Ngoài việc xác định nguyên nhân sự cố và mức sự cố để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, cần khoanh vùng khu vực sự cố, cô lập nơi nguy hiểm, kiểm soát an ninh; nghiêm cấm người không có nhiệm vụ ra vào khu vực sự cố; sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân phù hợp cho người làm công tác ứng phó sự cố. Cách ly hoặc cô lập khu vực rò rỉ, tràn đổ hóa chất, xăng dầu, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ ra vào khu vực sự cố; sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân phù hợp cho người làm công tác ứng cứu.
Như Dân trí đã phản ánh, sau khi hồ thuỷ điện Hoà Bình xả lũ ngày 19/7 đã có hàng trăm tấn cá nuôi lồng của người dân dọc sông Đà thuộc tỉnh Hoà Bình và Phú Thọ bị chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Kha Xuân Lộc