1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng yêu cầu thi hành án xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng

Thế Kha

(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu toàn hệ thống thi hành án dân sự cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra; nghiên cứu giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu thi hành án xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng - 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thanh Nga).

Tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ từ nay tới cuối năm của Bộ Tư pháp, ngày 10/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà Bộ, ngành tư pháp đã đạt được trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới nhìn chung còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Long yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp các nhiệm vụ đã hoàn thành và đang thực hiện. Triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mới ban hành.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra; tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cấp ủy đảng với bộ, ngành, địa phương khi giải quyết vụ việc cụ thể, phức tạp.

Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm nghiên cứu giải pháp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu thi hành án xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng - 2

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đang nỗ lực để hoàn trả trên 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh, xong trước ngày 30/9. Trong ảnh, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng tại một phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Về phía cơ quan tư pháp địa phương, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu bám sát chương trình công tác, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và tập trung hơn vào góp ý các nghị định liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định 6 tháng đầu năm, Bộ này đã đạt nhiều kết quả. Trong đó, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá.

Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương ban hành 1.500 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, trên 1.000 văn bản cấp huyện...

Tiến độ thẩm định được đẩy nhanh, nhất là "chùm" nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng để bảo đảm có hiệu lực sớm hơn dự kiến.

Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ, ngành tư pháp chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm và bám sát phản ánh, kiến nghị của báo chí, người dân, tổ chức. Trong đó, Bộ Tư pháp tiếp nhận, phân loại và kiểm tra theo thẩm quyền 1.131 văn bản, trong đó có 107 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, hơn 1.000 văn bản của địa phương.

Bộ đã thẩm định 12 điều ước quốc tế, góp ý 132 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; cấp 4 ý kiến pháp lý cho các Hiệp định vay nước ngoài.

Toàn hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 404.000 việc (tăng 21.700 vụ việc so với cùng kỳ năm 2023); thi hành xong hơn 73.000 tỷ đồng (tăng hơn 2.736 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước) - đạt tỉ lệ 27,6%. 

Cũng trong thời gian trên, Bộ Tư pháp đã trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 1.468 trường hợp; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký trình Chủ tịch nước ký quyết định cho phép 2.164 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam và được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Trong lĩnh vực con nuôi, lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin, các địa phương đã giải quyết 1.451 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tăng 61 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023). Một số địa phương có tỷ lệ nuôi con nuôi trong nước nhiều như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM, An Giang.