Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tiến đến không có nợ đọng bảo hiểm xã hội
(Dân trí) Đưa số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên trên 72,4 triệu người, đây là mục tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016, sáng 18/1 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự và chủ trì Hội nghị.
Năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu có trên 12,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gần 10,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 72 triệu người tham gia bảo hiểm y tế và trên 300 nghìn người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đạt 235 nghìn tỷ đồng, trong đó thu bảo hiểm xã hội bắt buộc là 157 nghìn tỷ đồng, bảo hiểm y tế là 66.300 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp là 10.363 tỷ đồng. Tổng chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần 237 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, năm 2015, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 70,2 triệu người, tăng 5,37 triệu người (8,3%) so với năm 2014, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12,1 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 10,3 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 230 nghìn người, bảo hiểm y tế là 70 triệu người. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đã tăng mạnh, đặc biệt là ở một số địa phương trước đây có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế thấp. Từ chỗ cả nước có 29 địa phương có tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế dưới 65% dân số thì đến cuối năm 2015, địa phương thấp nhất đã đạt 69% dân số và tỷ lệ bao phủ chung của cả nước đạt 77% dân số, vượt 1,6% so với tỷ lệ Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của toàn ngành năm 2015 đạt trên 216 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 18,8 nghìn tỷ đồng (9,5%) so với năm 2014. Đặc biệt, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm mạnh, đến cuối năm chỉ còn 7.651,6 tỷ đồng, bằng 3,65% tổng số phải thu. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung chỉ đạo thực hiện, có nhiều kết quả đáng ghi nhận, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và chỉ đạo của Chính phủ, trong đó nhận thức của công chức, viên chức có nhiều thay đổi tích cực; thủ tục hành chính được đơn giản; thời gian xử lý công việc được cắt giảm; dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được thiết lập theo hướng tập trung, đồng bộ; hạ tầng kỹ thuật được bổ sung, nâng cấp...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh TTXVN)
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận các kết quả đạt được của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong năm 2015. Công tác xây dựng thể chế chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ngày càng được hoàn thiện. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tham gia với các bộ, ngành ban hành các Luật, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Các luật ngày càng đổi mới, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện có kết quả việc mở rộng đối tượng và quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thu chi khá tốt, giảm được nợ đọng – một vấn đề nhức nhối nhiều năm qua, giải quyết chế độ đúng quy định, nhanh chóng hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người thụ hưởng chính sách. Những kết quả đó đã đóng góp tích cực vào thành tích chung, đặc biệt là trụ cột an sinh xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ: năm 2016 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII với không ít thách thức và khó khăn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần thực hiện tốt chương trình kế hoạch đề ra. Với đối tượng tham gia và quản lý rộng, ngành phải phối hợp với các bộ, ngành làm tốt công tác tuyên truyền để toàn dân hiểu lợi ích của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng cao hơn nữa ý thức chủ động tham gia của người dân, từ đó mở rộng đối tượng. Muốn tiến đến bảo hiểm y tế toàn dân, cần phát triển thêm 23% dân số còn lại, trong khi đó để tăng được 1% số này cũng là việc rất khó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý tốt việc thu chi, trong đó cố gắng tìm cách hạ nhanh tỷ lệ nợ đọng, tiến đến không có nợ đọng bảo hiểm xã hội, kiện toàn bộ máy thanh tra, tăng cường kiến nghị các giải pháp mạnh với Đảng, Nhà nước để xử lý nợ đọng một cách nghiêm túc và công khai. Nếu không làm tốt sẽ tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động – Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh TTXVN)
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bảo hiểm xã hội là lĩnh vực quan trọng, trụ cột cho đảm bảo an sinh xã hội, nếu làm tốt không chỉ là thực hiện tốt chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước, mà còn tạo điều kiện cho việc đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, hướng đến tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về tổ chức bộ máy, tài chính, từ đó vươn lên tự trang trải được chi phí, số lượng và chất lượng dịch vụ ngày càng tăng, người dân được thụ hưởng chính sách tốt hơn, người thầy thuốc được đãi ngộ xứng đáng hơn công sức bỏ ra. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục hoàn thiện bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, điều chỉnh hợp lý số biên chế, không tăng biên chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, toàn ngành cần thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế chính sách, công khai, minh bạch quy chế và các thủ tục hành chính để người thụ hưởng và người dân giám sát, nội bộ kiểm tra lẫn nhau, tăng cường công tác quản lý nội bộ, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm.
Tại hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 – 2020, phát huy đoàn kết, năng động sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016./.
Theo Chu Thanh Vân/TTXVN