1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc cứu nạn tại hiện trường sạt lở

Trung Thi Dương Phong
Sạt lở đèo Bảo Lộc

(Dân trí) - Sáng 31/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến hiện trường vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm

Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Lâm Đồng tăng cường lực lượng, tích cực tìm kiếm nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở. Trong quá trình tìm kiếm, cần tính toán cẩn thận các phương án để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lực tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc cứu nạn tại hiện trường sạt lở - 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến hiện trường vụ sạt lở đèo Lâm Đồng chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn (Ảnh: Dương Phong).

Bên cạnh việc tìm kiếm nạn nhân, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng huy động phương tiện, giải phóng lượng đất đá sạt lở để thông tuyến giao thông qua đèo Bảo Lộc.

Sau khi nghe báo cáo việc triển khai tìm kiếm, cứu nạn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng. Dù điều kiện thời tiết còn mưa, nguy cơ sạt lở cao nhưng công tác tìm kiếm được tổ chức tốt, nhờ đó đã tìm được 3 nạn nhân bị vùi lấp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc cứu nạn tại hiện trường sạt lở - 2

Phó Thủ tướng yêu cầu nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn mất tích nhưng phải có phương án phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia (Ảnh: Dương Phong).

Sau khi kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình Đại úy Lê Ánh Sáng - 1 trong 3 CSGT hy sinh trong vụ sạt lở.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc cứu nạn tại hiện trường sạt lở - 3

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia buồn cùng gia đình Đại úy Lê Ánh Sáng

Hai điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc

Sáng 31/7, Đại tá Bùi Đức Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết đang huy động tối đa lực lượng để tìm kiếm nạn nhân Phạm Ngọc Anh. Ông Anh là nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc. Ông gặp nạn khi đang hỗ trợ người dân địa phương di chuyển đồ đạc ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm.

Tại hiện trường, hàng chục loại phương tiện chuyên dụng được điều động đến. Lực lượng công an cũng sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.

Ông Bùi Duy Anh, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ IV.1, cho biết đơn vị này đang huy động tối đa lực lượng giải phóng khối lượng đất đá sạt trượt trên đèo Bảo Lộc để giao thông được sớm thông suốt.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí sáng 31/7, tại hiện trường vụ sạt lở đang có 4 máy múc và nhiều trang thiết bị kỹ thuật khác tham gia công tác tìm kiếm.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc cứu nạn tại hiện trường sạt lở - 4

Huy động nhiều loại phương tiện để tìm kiếm nạn nhân cuối cùng (Ảnh: Dương Phong).

Vị trí sạt lở là một quả đồi trồng sầu riêng của người dân. Do mưa lớn, nước ngầm từ vị trí này chảy xuống dưới ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng sáng 31/7, những ngày gần đây trên địa bàn ghi nhận nhiều đợt mưa to gây ngập úng, sạt lở ở nhiều vị trí.

Có 2 vụ sạt lở đất xảy ra trên đèo Bảo Lộc; giao thông đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn và hiện chưa được khôi phục. Các phương tiện giao thông được hướng dẫn để di chuyển theo hướng đèo Con Ó qua huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc cứu nạn tại hiện trường sạt lở - 5

Khẩn trương giải phóng lượng đất đá khổng lồ bị sạt lở để sớm thông xe đèo Bảo Lộc (Ảnh: Đặng Dương).

Công điện hỏa tốc phòng, chống sạt lở

Sáng 31/7, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã có công điện hỏa tốc yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt trong phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa bão.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc cứu nạn tại hiện trường sạt lở - 6

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương, sở, ngành quyết liệt trong công tác phòng, chống sạt lở (Ảnh: Đặng Dương).

Trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành chức năng chủ động, tăng cường đầy đủ, kịp thời nhân lực, máy móc, phương tiện, thiết bị để tập trung tổ chức cứu hộ, cứu nạn tại khu vực sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc.

Chuẩn bị các phương án, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra, kịp thời đưa người dân đến nơi an toàn.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan,... kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.

Kiên quyết tổ chức di dời, sơ tán ngay các hộ dân tại khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm.

Cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực nguy hiểm.

Dòng sự kiện: Sạt lở đèo Bảo Lộc