1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phó Thủ tướng nhấn nút khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Khoa Nam Quốc Anh

(Dân trí) - Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhấn nút khởi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Dự án sẽ tạo "cú hích" thu hút đầu tư cho các địa phương trong khu vực.

Khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Ngày 30/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với UBND Đồng Nai, Bình Thuận, tổ chức lễ khởi công dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Phó Thủ tướng nhấn nút khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - 1

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát lệnh khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cùng  ngày, Bộ GTVT cũng phối hợp với các địa phương, khởi công dự án thành phần Mai Sơn - Quốc Lộ 45 tại Thanh Hóa; dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Bình Thuận. Cả 3 dự án thành phần này đều được chuyển từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công. 

Phát biểu tại lễ khởi công dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây tổ chức tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 2 tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km).

Phó Thủ tướng nhấn nút khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - 2

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự kiến dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành cuối năm 2022

Điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km) - tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tổ chức thực hiện và quản lý dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 12.578 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng; khi hoàn chỉnh có 6 làn xe.

Theo Bộ GTVT, 3 dự án thành phần này dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022, cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế... 

Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex - đại diện liên danh nhà thầu thi công cam kết sẽ hoàn thành phần việc được giao vượt tiến độ chủ đầu tư đề ra, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động tuyệt đối. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi một trong những dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, dự án qua 4 huyện - thành phố là Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất, với hơn 1.241 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 40 hộ bị giải tỏa trắng. Đến nay bàn giao mặt bằng cơ bản hoàn thành. 

Ông Dũng nhấn mạnh, đây là tuyến đường kết nối sân bay Long Thành trong tương lai, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn nút khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - 3

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, an toàn, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực...

Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công dự án, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, với nhiều chính sách huy động nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông, đến nay đã tạo hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. 

"Thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, chúng ta đã hoàn thành nâng cấp quốc lộ 1A, đã đầu tư và đưa vào sử dụng 838km đường cao tốc. Cả nước đã có 1.041km đường cao tốc, với tổng mức đầu tư trên 173.000 tỷ đồng, với hình thức đầu tư đa dạng, từ vốn ngân sách Nhà nước, ODA, đối tác công tư...", ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nhấn nút khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - 4

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn nút khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Theo Phó Thủ tướng, đường cao tốc mở đến đâu thì kinh tế ở đó phát triển tới đó, người dân được hưởng lợi. Trong giai đoạn 2017-2020 lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước với 654km để cơ bản hoàn thành trong năm 2021, trong đó có 3 dự án khởi công ngày hôm nay. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ kết nối, phát huy hiệu quả các đoạn đường đã đầu tư, rút ngắn tuyến đường từ TPHCM đi các trung tâm kinh tế, trung tâm du lịch, góp phần giảm thiểu tai nạn trên quốc lộ 1A, giảm ùn tắc giao thông... 

Phó Thủ tướng nhấn nút khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - 5

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị đơn vị quản lý dự án, nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để hoàn thành dự án chất lượng và tiến độ nhanh nhất

Đồng thời, dự án này tạo không gian liên kết vùng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ với các tỉnh Nam Trung bộ, duyên hải miền Trung; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành, phát triển các khu công nghiệp, du lịch sinh thái dọc biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa...

"Với vai trò như vậy, dự án sẽ hoàn thành và là cú hích cho các tỉnh trong khu vực dự án đi qua, trực tiếp là Đồng Nai, Bình Thuận phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Trương Hòa Bình cũng lưu ý tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án; nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để hoàn thành dự án chất lượng cao và tiến độ nhanh nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm