Phó Thủ tướng: “Mỗi người đều có giá trị cao đẹp trong tâm hồn”
(Dân trí) - “Ai cũng có những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần. Nhưng trên hết là các giá trị cao đẹp sâu thẳm trong tâm hồn, cần được tôn trọng. Người khuyết tật cần sự trợ giúp của cộng đồng để vượt lên sống tốt hơn, hòa nhập vào cộng đồng xã hội”.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế về Người khuyết tật và sự kiện Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật sáng 3/12 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế về Người khuyết tật
Tôn vinh giá trị truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, người khuyết tật Việt Nam với sự trợ giúp của cộng đồng sẽ phát huy các giá trị đích thực giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh cùng đại biểu người khuyết tật
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nêu các con số: Khoảng 10-15% dân số thế giới là người khuyết tật, 80% trong số đó thuộc các nước phát triển. Người khuyết tật chiếm 20% số người nghèo nhất trên thế giới và rất khó khăn tiếp cận thế giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ trợ giúp xã hội.
“Ngày Quốc tế về người khuyết tật là dịp để nhìn lại những thành tựu, nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; những khó khăn, thách thưc cần tiếp tục khắc phục và phấn đấu xây dựng một xã hội không rào cản, môt cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả người khuyết tật” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.
Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước hôm 28/11 là sự cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam thể hiện quan điểm nhất quán của mình đối với lĩnh vực nhân quyền nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền chụp ảnh với các đại biểu người khuyết tật
Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 2006 là một trong những Công ước nhân quyền toàn diện nhất về quyền của người khuyết tật…
Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, phân công trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các tổ chức để triển khai có hiệu quả Công ước.
Quảng Trị: Giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng Hơn 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và những người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị đã có buổi giao lưu, trao đổi về cuộc sống nhân ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12. Chương trình do Dự án Renew phối hợp với Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Trị, dự án Người vận động cấm bom mìn Việt Nam tổ chức tại Trung tâm trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Tại buổi giao lưu, mọi người được nghe các nạn nhân bom mìn, trong đó có những bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, quá trình sinh hoạt, học tập và vươn lên hòa nhập cộng đồng. Những nạn nhân khuyết tật biết vượt qua khó khăn, đảm bảo được cuộc sống gia đình, trở thành những tấm gương sáng cho người khác học tập. Nhiều em nhỏ khuyết tật là những đối tượng dễ bị tổn thương, cần sự giúp đỡ của cộng đồng để các em vươn lên hòa nhập tốt Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ và chất độc da cam, tỉnh Quảng Trị có hơn 37.000 người khuyết tật, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, cải thiện sinh kế và hòa nhập cộng đồng. Tặng quà động viên những người khuyết tật Những năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ và tạo điều kiện về mọi mặt đối với người khuyết tật, đảm bảo cho người khuyết tật thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng và cơ hội phát triển. Thông qua nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, người khuyết tật tỉnh Quảng Trị ngày càng có nhiều cơ hội học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm theo khả năng, được tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa, thể thao… Tuy nhiên, hầu hết những người khuyết tật trên khắp đất nước này vẫn còn gặp rất nhiều thiệt thòi, cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng để họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, cải thiện sinh kế và hòa nhập tốt với cộng đồng. Đăng Đức |
Hoàng Mạnh