Phó Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về đất đai
(Dân trí) - "Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Chỉ đạo trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường sáng 31/12.
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua. Đây là quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm, chuẩn bị bảo đảm chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ. Đồng thời xây dựng hoàn chỉnh đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất... hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc.
"Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng dẫn chứng hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được. Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát kỹ, phân nhóm dự án, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn.
"Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, toàn ngành đã tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.
Điển hình như việc để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn về đất đai quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giao khu vực biển, lấn biển, đấu giá khoáng sản, cơ chế khuyến khích, các chính sách hỗ trợ, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19...
Toàn ngành đã rà soát 440 văn bản liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản xác định 40 văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền và giải quyết các chồng chéo mâu thuẫn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định năm 2022 toàn ngành sẽ cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên.
"Tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư cho tương lai bền vững"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà cam kết.
Tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh về sự phiền hà giảm 7%
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2021 chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 4,14% so với năm trước; tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7%, phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai giảm 4%.
Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%; số lượng đơn thư, khiếu kiện giảm 28% trong năm qua.
Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030.
Đơn giản hóa 10 - 15% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; 90-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 63/63 tỉnh thành phố kết nối liên thông thủ tục thanh toán nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế, tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành, cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên.