Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói về cái khó trong quản lý taxi công nghệ

(Dân trí) - “Khi chúng tôi cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với đội ngũ lái xe cho Grab thì chẳng biết là ai để tuyên truyền phổ biến. Hãng taxi truyền thống nào đó có khoảng 200 lái xe, chúng tôi yêu cầu gọi 200 lái xe này về để tuyên truyền pháp luật rất dễ dàng” – Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết.

Liên quan đến quản lý trật tự giao thông, trật tự xã hội đối với các loại hình xe chở khách như Grab, Limousine đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, ngày 25/6, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói về cái khó trong quản lý taxi công nghệ - 1

Thiếu tướng Đào Thanh Hải trao đổi với phóng viên Dân trí. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Thiếu tướng Hải cho biết, hiện nay đang diễn ra một cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ như Uber, Grab. Trong thời gian vừa qua, đặc biệt về vấn đề công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, Công an Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn về việc quản lý các xe chở khách.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 2 loại hình xe chở khách là xe Limousine chạy lòng vòng khắp thành phố để đón khách gây nên tắc đường; xe công nghệ như Grab do không gắn mào, chỉ có gắn tem và ký hiệu rất khó nhận biết. CSGT số lượng không nhiều mà còn phải lo điều tiết giao thông nên không thể “căng mắt ra” để phân biệt đâu là xe Grab, đâu là xe của người dân đi lại bình thường, dẫn đến những đoạn đường cấm loại xe này (xe Grab) vẫn đi vào mà CSGT rất khó phát hiện.

Theo Thiếu tướng Hải, hiện nay ở Hà Nội vào những giờ cao điểm rất nhiều ngã tư, ngã ba mà bắt buộc phải cấm xe chở khách nhằm hạ nhiệt giao thông. Do khó nhận biết được xe taxi công nghệ kiểu như Grab nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

Cũng theo Thiếu tướng Hải, Công an Hà Nội ngoài việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, còn phải quản lý về an ninh trật tự xã hội. Đội ngũ lái xe của Grab gần như không ai quản lý. Uber, Grab nói mình chỉ là hãng kinh doanh công nghệ, phần mềm kết nối nên không quản lý xe và lái xe, còn các hợp tác xã cho người có xe ô tô vào để sử dụng công nghệ của Uber, Grab thì thực tế cũng chẳng biết lái xe là ai cả. Những hợp tác xã này có giấy đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, nếu những xe cá nhân muốn chạy Uber, Grab thì đến các hợp tác xã này đăng ký và một tháng phải trả cho đơn vị này khoản tiền nhất định, sau đó đăng ký biển số xe và đăng ký với hãng công nghệ Grab. Khi lái xe có app của Grab, Uber sẽ có thông tin khách hàng qua mạng để hoạt động.

“Khi chúng tôi cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với đội ngũ lái xe cho Grab thì chẳng biết là ai để tuyên truyền phổ biến. Còn ví dụ hãng taxi truyền thống nào đó có khoảng 200 lái xe, thì chúng tôi yêu cầu tập trung 200 lái xe về để chúng tôi tuyên truyền phổ biến pháp luật, việc này rất dễ dàng. Số lái xe như của Grab là hoàn toàn trôi nổi, không ai quản lý. Lái xe của taxi truyền thống thỉnh thoảng còn được kiểm tra ma túy, nhưng lái xe Grab thì chịu luôn, chẳng ai quản lý. Bây giờ ông nghiện ma túy lái Grab thì cũng rất khó quản lý vì họ tự có xe, tự đăng ký và tự chạy nên chẳng ai kiểm soát được việc đó” – Thiếu tướng Hải phân tích thêm.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, Công an Hà Nội đã phát hiện ra những kẽ hở như phân tích trên. Do đó, theo Thiếu tướng Hải mong nhà nước cần khẩn trương định danh chính xác loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab để quản lý và việc Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo về sửa đổi Nghị định 86 có quy định các xe taxi công nghệ như Grab phải gắn mào là hoàn toàn thích hợp.

Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói về cái khó trong quản lý taxi công nghệ - 2
Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói về cái khó trong quản lý taxi công nghệ - 3

Các hãng taxi công nghệ một số quốc gia trên thế giới đã gắn mào trên nóc xe.

“Đã là xe chở khách phải có nhận diện cụ thể, rõ ràng, vì khi xảy ra các vụ việc hình sự như cướp thì chúng tôi căn cứ vào đó là những loại xe gì để thu hẹp diện điều tra lại, giúp cho cơ quan công an trong công tác quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài ra, đối với Sở GTVT đây cũng là hình thức để quản lý được những loại xe này, để xác định được trên TP Hà Nội có bao nhiêu xe chở khách, chứ hiện nay các con số đều là “ảo”, chưa có đơn vị nào đưa ra con số chính xác loại xe kiểu như Grab đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, các số liệu đều ước tính” – Thiếu tướng Hải nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói về cái khó trong quản lý taxi công nghệ - 4
Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói về cái khó trong quản lý taxi công nghệ - 5

Taxi công nghệ như Grab hoạt động ở Việt Nam chỉ dán tem "Xe hợp đồng" và logo hợp tác xã vận tải với kích thước rất "khiêm tốn" nên CSGT rất khó nhận biết.

Vị Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội băn khoăn, nếu chúng ta cứ thả nổi như hiện nay thì ai cũng đi lái xe chở khách như kiểu Grab, còn lúc bận lại nghỉ, làm như vậy sẽ thiếu tính chuyên nghiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tạo nên một thị trường vận tải lộn xộn, thiếu sự quản lý chặt chẽ.

Những năm trước đây, tại TP Hà Nội để tăng số lượng 1 xe taxi là vô cùng khó khăn vì thành phố duyệt rất chặt chẽ, số lượng taxi cao nhất trên địa bàn Hà Nội là chỉ đến 24.000 xe, mà khống chế tại đây không cho phát triển thêm, nếu phát triển thêm là hạ tầng không đáp ứng được. Còn bây giờ Uber, Grab vào thì không hạn chế được, bùng phát số lượng rất nhanh.

Nguyễn Dương