1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phó Chủ tịch thành phố nói về nguồn phát thải gây ô nhiễm ở Hà Nội

Thế Kha

(Dân trí) - Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải. Đây chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Thông tin này ông Nguyễn Trọng Đông, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đề cập tại hội nghị "Thúc đẩy thực hiện giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam" chiều 14/11, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, UBND TP Hà Nội tổ chức.

Theo ông Đông, Hà Nội hiện có 9 triệu người sinh sống, dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô.

Phó Chủ tịch thành phố nói về nguồn phát thải gây ô nhiễm ở Hà Nội - 1

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông (Ảnh: Đình Trung).

"Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Đó là chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên trên địa bàn. Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí", ông Đông cho hay.

Lãnh đạo thành phố cho biết Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Đến nay, Thủ đô đã xóa bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công.

Thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày ở Hà Nội đạt trên 90% ở tất cả các khu vực. Việc thí điểm đo kiểm khí thải mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành cũng được Hà Nội thực hiện.

Luật Thủ đô đã được trình Quốc hội ban hành, trong đó có quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường.  

"Chúng ta cần có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân", Phó Chủ tịch Hà Nội nói.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhận định ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới.

Phó Chủ tịch thành phố nói về nguồn phát thải gây ô nhiễm ở Hà Nội - 2

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy (Ảnh: Đình Trung).

Tại Việt Nam, theo ông Duy, mức độ ô nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng trong 10 năm gần đây, trở thành vấn đề rất đáng lo ngại cần tập trung giải quyết.

Ông nhận định công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung do ô nhiễm không theo địa giới hành chính, không phải trách nhiệm của riêng từng bộ, ngành hay địa phương.

Thông tin đưa ra tại hội nghị cho thấy ô nhiễm môi trường không khí có tính quy luật theo mùa (từ tháng 10-11 năm trước kéo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông cao, tập trung nhiều cơ sở sản xuất.

Hà Nội ô nhiễm không khí tốp đầu thế giới

Gần một tuần qua, không khí ở Hà Nội luôn trong tình trạng mù mịt vào buổi sáng và chiều tối, chỉ số ô nhiễm nhiều ngày ở tốp 5 thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Kết quả đo từ ứng dụng IQ Air cho thấy, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới trong sáng 13/11, chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm