Sáng nay Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới
(Dân trí) - Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí IQ Air ghi nhận Hà Nội ô nhiễm không khí xếp thứ 3 thế giới vào sáng 13/11, chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan.
Gần một tuần qua, không khí ở Hà Nội luôn trong tình trạng mù mịt vào buổi sáng và chiều tối, chỉ số ô nhiễm nhiều ngày ở tốp 5 thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Sáng 13/11, ứng dụng IQ Air (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội ở mức 205, thuộc ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe; người dân nên hạn chế ra ngoài.
Kết quả này cho thấy, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới trong sáng nay, chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan.
Ngoài ra, kết quả theo dõi của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở Hà Nội.
Đơn vị này cũng đưa ra khuyến cáo, với chỉ số ô nhiễm như hiện nay, những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Ứng dụng quan trắc PAM Air - mạng lưới quan trắc lớn nhất về không khí ở Việt Nam - ghi nhận chỉ số ô nhiễm tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) lúc 9h30 ngày 13/11 là 245 - ở ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe).
Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Người dân nên vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; thường xuyên tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ…
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu do bụi mịn PM2,5 - vốn được coi là tử thần trong không khí, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch.
4 nhóm nguyên nhân lớn dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như vùng lân cận được nhiều cơ quan xác định do hoạt động giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp - làng nghề, xây dựng và đốt rác, rơm rạ,...