1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phát hiện rất nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản ở tỉnh Phú Thọ

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản của tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2006-2017.

Phát hiện rất nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản ở tỉnh Phú Thọ - 1

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Dự kiến hôm nay, kết luận thanh tra sẽ được công bố công khai tại UBND tỉnh Phú Thọ.

Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh Phú Thọ chưa kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ và chưa kịp thời ban hành một số văn bản như: Việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản ở từng giai đoạn; khu vực không đấu giá quyền khai thác. Đặc biệt là văn bản quy định, hướng dẫn tính, thu phí bảo vệ môi trường, đẫn đến các doanh nghiệp chưa thực hiên đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong một thời gian dài.

Cụ thể, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 15/2015 về việc quy đổi từ số lượng quặng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường chậm 7 năm so với quy định của Bộ Tài chính và Chính phủ (!).

Giai đoạn 2006-2017, sản lượng khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường trên 21,5 triệu (tấn và m3), trong đó giai đoạn 2009-2015 có số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, nhưng UBND tỉnh Phú Thọ không thực hiện, các sở ngành chức năng cũng không tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện, dẫn đến thất thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND tỉnh Phú Thọ, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Cục Thuế (giai đoạn 2008-2015).

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 được Sở Công Thương thẩm định, trình UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt nhưng nội dung quy hoạch lại không xác định khu vực điểm mỏ và loại khoáng sản cần thăm dò (?!).

Trong khi đó, công tác lập, phê duyệt quy hoạch, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền, UBND tỉnh Phú Thọ chưa ban hành quyết định phê duyệt, vi phạm Luật Khoáng sản.

Trách nhiệm đối với những sai phạm này thuộc UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Phú Thọ.

Phát hiện rất nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản ở tỉnh Phú Thọ - 2

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Ảnh: TTXVN).

Thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt trên 333 ha

“Giai đoạn từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34 ha so với quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, vào các loại đất khác, vi phạm Luật Đất đai”- kết luận nêu.

Tại quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, trong đó có mỏ đá xây dựng xóm Quẽ, xã Thu Cúc (huyện Thanh Sơn) vào đất rừng phòng hộ và sản xuất với diện tích 90ha.

Tiến hành kiểm tra 34 giấy chứng nhận đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện có 20 giấy chứng nhận đầu tư, tại mục ưu đãi đầu tư ghi “dự án được hưởng các ưu đãi theo các quy định pháp luật hiện hành” nhưng không ghi đầy đủ thông tin về ưu đãi theo hướng dẫn của Chính phủ và quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ (Công ty TNHH Khoáng sản Thành Phương khai thác, chế biến cao lanh tại dốc Mận, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông; Công ty TNHH Khoáng sản và xây dựng HAT khai thác Sepentin tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn), vi phạm Luật Khoáng sản.

Có 24 giấy phép khai thác khoáng sản cấp phép chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức theo mẫu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại dự án mỏ đá xóm Pheo, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn do Công ty cổ phần thi công cơ giới Chiến Thắng làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác và mở rộng với diện tích 63.660 m2, thời hạn khai thác 2 năm, nhưng không có quyết đinhj phê duyệt đánh giá hàm lượng, trữ lượng khoáng sản.

Cơ quan thanh tra trực tiếp kiểm tra 11 dự án phát hiện có 1 dự án (Mỏ sắt xã Tân Phú, huyện Thanh Sơn của Chi nhánh Công ty cổ phần khai khoáng luyện kim Bắc Việt) sau khi hết thời hạn thuê đất nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường và công ty chưa thực hiện ký lại hợp đồng thuê đất.

Tính đến hết năm 2017, tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của 159 dự án phải nộp trên 33,7 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ đọng trên 12,7 tỷ đồng của 52 đơn vị, vi phạm quy định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng.

Hàng loạt doanh nghiệp mắc sai phạm

Các sai phạm được phát hiện qua thanh tra với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng, trong đó có số tiền 12,7 tỷ đồng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của 52 đơn vị nợ đọng.

Số tiền 6,5 tỷ đồng tạm tính tiền phí bảo vệ môi trường sau quy đổi từ quặng thành phẩm về nguyên khai của một số chủ đầu tư dự án, trong đó có: Công ty cổ phần ATA Phú Thọ; Công ty cổ phần khai thác, chế biến đá Cự Đồng; Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long; Công ty cổ phần thi công cơ giới Chiến thắng, Công ty TNHH Khoáng sản Thành Phương.

Đáng chú ý có trên 1,9 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long chưa thực hiện kê khai. Số tiền trên 2,1 tỷ đồng thuê đất do một số chủ đầu tư dự án còn nợ, gồm: Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long, Công ty cổ phần khai khoáng luyện kim Bắc Việt, Công ty cổ phần thi công cơ giới Chiến Thắng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân, tổ chức liên quan; khẩn trương ban hành các văn bản theo quy định về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và kiểm tra xử lý đối với diện tích 333,34 ha đất đã thu hồi cho hoạt động khoáng sản vượt quy hoạch sử dụng đất.

Rà soát và điều chỉnh lại nội dung 12/24 giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp còn hiệu lực. Đối với dự án khai thác, chế biến quặng sắt tại xóm Chùa, xã Khả Cửu và xóm Vì, xã Thượng Cửu (huyện Thanh Sơn), UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm việc với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để xác định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty cổ phần khoáng sản luyện kim Thăng Long theo quy định.

Bên cạnh đó phải kiểm tra, rà soát việc giao đất, sử dụng đất tại khu vực xóm Chùa, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn với diện tích 6,2 ha giao cho Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long và diện tích giao cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển khoáng sản Phú Đức tại Lô II và Lô III diện tích 67,48 ha tại xã Vĩnh Lại, xã Bản Nguyên (huyện Lâm Thao) để xử lý theo quy định của pháp luật. Đóng cửa mỏ đối với 16 điểm mỏ đã hết hạn theo quy định.

Thế Kha