Ý kiến đại biểu Quốc hội:
Phạt hãng hàng không nếu chậm, hủy chuyến
(Dân trí) - “Không chỉ bồi thường cho hành khách bị chậm, hủy chuyến mà cần có chế tài phạt hãng hàng không, vì hiện nay có tình trạng các hãng dồn chuyến làm ảnh hưởng rất lớn tới khách hàng”, đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) đưa ý kiến trong phiên thảo luận về luật Hàng không hôm qua 22/5.
Bồi thường thỏa đáng cho khách hàng khi bị chậm, hủy chuyến là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm bàn thảo. Dự thảo luật qui định trong các trường hợp này nhà vận chuyển phải bồi thường theo các mức như: xin lỗi, bảo đảm ăn nghỉ, hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng, bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách…
Tuy nhiên, Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng qui định như vậy còn chung chung, ông cũng lưu ý việc giao cho Bộ trưởng GTVT qui định thời gian phải báo trước và mức bồi thường cho hành khách là không ổn, vì “Bộ bao giờ chả ưu ái, đưa ra qui định lợi cho doanh nghiệp bộ mình”. Ông đề nghị “Nên qui định cụ thể thời gian báo trước là 18h chứ chỉ báo trước 1h như hiện nay thì hành khách không thể trở tay kịp”.
Sau sự kiện hai hành khách đe dọa trên máy bay có bom trong chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội vừa qua, một số đại biểu đề nghị cần bổ sung vào luật điều khoản cấm đe dọa an toàn chuyến bay.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật chỉ đề cập đến hành vi uy hiếp trực tiếp là chưa đầy đủ vì như trường hợp hai hành khách đe dọa khiến chuyến bay phải hủy, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nhà vận chuyển và hành khách.
Trong ngày hôm qua, các đại biểu cũng thảo luận dự án luật Luật sư, nhiều ý kiến cho rằng, vị trí, vai trò của luật sư hiện nay chưa đúng với địa vị pháp lý của họ trong hoạt động tố tụng, tại nhiều phiên tòa, Hội đồng xét xử né tránh hoặc không thừa nhận những chứng cứ, lý lẽ mà luật sư đưa ra…
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) cũng chỉ ra một hiện tượng khá phổ biến hiện nay đó là tình trạng “chạy án”, nhiều luật sư đang đứng trước hai chữ “C” là: “Chạy” hay “Cãi”. Trên thực tế có không ít những đường dây “chạy án” mà luật sư đóng vai trò móc nối.
Đức Hòa