Pháo hoa Z121 trước nhận xét "không có lợi ích gì"
(Dân trí) - Đề xuất cấm pháo hoa của một đại biểu Quốc hội mở ra dịp để thảo luận về chủ đề đã gây tranh cãi nhiều năm ở Việt Nam: Nên hay không nên cho người dân chơi pháo hoa.
Mới đây, trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã gây chú ý khi đề nghị dừng việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán.
Những người thích chơi pháo hoa có thể không đồng tình với bà Huỳnh Thị Phúc. Tuy nhiên, luận điểm của nữ đại biểu cũng đang đại diện cho một nhóm công dân đề cao an toàn.
Ích gì pháo hoa?
Từ khi Nghị định 137/2020 ra đời, người Việt Nam đã bước sang năm thứ 4 được chơi pháo hoa hợp pháp do một đơn vị duy nhất cung ứng là nhà máy Z121.
Việc sử dụng pháo hoa Z121 đang để lại nhiều ý kiến trái chiều. Từ sự ưa chuộng, háo hức của người dân (sau 3 thập kỷ cấm chơi pháo) cho tới những phàn nàn về giá cả và quan ngại về tiếng ồn, an toàn cháy nổ.
Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, việc mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong 2-3 năm gần đây "không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng không đem lại lợi ích gì cho nhân dân, mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ".
Ý kiến của đại biểu Huỳnh Thị Phúc không phải là cá biệt. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết dư luận địa phương mong muốn chính quyền xem xét lại việc cho đốt pháo hoa do nhiều nhà đốt pháo nên khó phân biệt pháo lậu hay pháo Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, nhóm ủng hộ quyền sử dụng pháo hoa cũng có những lập luận không đồng tình với quan điểm "pháo hoa không đem lại lợi ích gì".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), nhận định chơi pháo hoa tạo ra niềm vui cho người dân, mà niềm vui cũng là một dạng phúc lợi.
"Việc nhà nước tạo chính sách cho người dân sử dụng pháo hoa cho thấy đây là nhu cầu chính đáng, có thật. Nếu nói chính sách này có mặt trái như tăng nguy cơ cháy nổ thì cần số liệu thống kê các vụ cháy nổ do pháo Z121 để chứng minh", ông Đồng chia sẻ.
Theo số liệu từ nhà máy Z121, doanh nghiệp này sản xuất 6,2 triệu sản phẩm pháo hoa với 12 chủng loại để cung ứng cho người dân trong năm 2023. Hết năm, họ bán được 4,8 triệu sản phẩm, còn tồn 1,4 triệu.
"Năm 2023, tính riêng khối lượng pháo hoa sản xuất cho dân, chúng tôi nộp thuế 120 tỷ đồng. Ủng hộ chính quyền địa phương trên 5 tỷ đồng để phát triển kinh tế xã hội", Đại tá Trần Anh Mạnh, Phó Giám đốc Nhà máy Z121, chia sẻ và cho biết hoạt động sản xuất mặt hàng này còn tạo thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động của nhà máy.
Thực tế gần 3 thập kỷ cấm đốt pháo cho thấy chính sách "cấm tuyệt đối" không ngăn được hiện tượng tiêu thụ pháo lậu và pháo tự chế. Vào đêm giao thừa, tiếng pháo đốt trái phép vẫn "tưng bừng" tại nhiều địa phương.
Với pháo hoa nhập lậu, Nhà nước bị thất thu thuế. Do không có chứng nhận hợp quy, pháo nhập từ nước ngoài cũng tiềm ẩn rủi ro về an toàn khi sử dụng. Còn với pháo tự chế, hệ lụy được ghi nhận là vô cùng khủng khiếp với hàng loạt vụ chấn thương, bỏng nặng, thậm chí thiệt mạng do tai nạn trong quá trình "chế" pháo.
"Siết" rồi lại "nới"
Nghị định 137/2020 ra đời cho thấy quan niệm về pháo hoa đã qua thời "không quản được thì cấm". Chính phủ cho phép người dân thụ hưởng mặt hàng này một cách "có điều kiện", đơn cử như chỉ được mua mặt hàng này từ đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; tiếng ồn của pháo không được quá 120dB; chỉ được sử dụng trong các dịp Tết, lễ kỷ niệm, sinh nhật...
Câu hỏi đặt ra là sau khi nới lỏng, cơ quan chức năng có quản lý được việc chấp hành quy định và ngăn ngừa được những rủi ro về an toàn từ mặt hàng nguy hiểm này không. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, câu hỏi này không khó trả lời vì Nghị định đã ban hành được 4 năm, có điều kiện để sơ kết, thống kê các mặt tích cực và tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), khẳng định việc cho người dân sử dụng pháo hoa theo Nghị định 137/2020 chưa phát sinh bất cập gì trong khâu quản lý. "Chúng tôi vẫn quản tốt, chưa gặp khó khăn vướng mắc", vị này khẳng định.
Với vai trò quản lý cháy nổ, Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy - Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07), khẳng định pháo hoa của Bộ Quốc phòng nếu được sử dụng theo đúng hướng dẫn về khoảng cách an toàn thì không phát sinh nguy hiểm. "Thống kê cũng cho thấy chưa có nhiều tình huống hỏa hoạn do pháo hoa Z121", ông Hải khẳng định.
Các nước cho dân chơi pháo hoa thế nào?
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Tại Anh và nhiều nước châu Âu, nhà chức trách không đặt vấn đề "cấm" hay "không cấm" pháo hoa. Thay vào đó, họ chia pháo hoa ra thành 4 loại (F1, F2, F3, F4) và phân định rõ từ F1 đến F3 là những loại người dân được sử dụng (kèm giới hạn về độ tuổi sử dụng).
Loại F1 là pháo hoa chơi trong nhà, ví dụ như cái loại que pháo bông hay nến phụt sinh nhật. Loại này có khoảng cách an toàn là 1m (tương đương 1 cánh tay).
F2 là pháo hoa ngoài trời với khoảng cách an toàn tối thiểu là 8m. F3 cũng là pháo hoa ngoài trời với khoảng cách tối thiểu 25m. Riêng loại F4 là pháo hoa trình diễn, chỉ người có chuyên môn và thẩm quyền mới được sử dụng, không dành cho công chúng.
Đối chiếu với Việt Nam, có thể thấy các loại pháo hoa như giàn phun viên, giàn phun hoa mà nhà máy Z121 đang cung ứng cho người dân cũng tương tự như pháo hoa F1, F2 và tiệm cận đến F3. Còn pháo hoa tầm cao do quân đội bắn thì tương đương với loại F4.
Trung Quốc từng áp lệnh cấm đốt pháo tại trung tâm thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu vào năm 1994, sau đó đã nới lỏng lệnh cấm này vào năm 2006 và 2017.
Tuy nhiên, các chính sách nới lỏng cũng dễ bị tùy chỉnh. Chính phủ Trung Quốc sẽ siết chặt quy định cấm đốt pháo trở lại khi thực tiễn phát sinh những vấn đề như ô nhiễm môi trường, rủi ro cháy nổ.