Phần còn lại của tòa thành lớn nhất Việt Nam có niên đại hơn 2 nghìn năm
(Dân trí) - Tòa thành đồ sộ niên đại hơn hai nghìn năm, vừa là kinh thành, vừa là quân thành, vừa là thị thành. Cổ Loa được đánh giá và ghi nhận là đô thị cổ đại ở Việt Nam có quy mô rộng lớn nhất Đông Nam Á.
Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy, thành cổ Cổ Loa (Hà Nội) có sự hiện diện của ba vòng thành cùng hào nước sông hồ và nhiều gò, đống, lũy đất làm nên một tòa thành có quy mô lớn. Tổng chu vi tường thành là 16km, diện tích 46ha. Bao gồm 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Nét màu đỏ trong ảnh thể hiện các đoạn tường thành Cổ Loa.
Sa hình thể hiện hình dáng 3 vòng thành Cổ Loa: Ngoại; Trung; Nội.
Cho đến ngày nay, phần lớn các đoạn tường thành đã mờ nhạt, khó nhận biết. Trong ảnh là một đoạn tường đất thuộc vòng thành Trung.
Thành Ngoại một vòng tường khép kín nối những gò đống tự nhiên, nên không có hình dáng rõ ràng. Nét màu đỏ là vòng thành ngoại, chất liệu đắp thành nhìn ngoài thì hoàn toàn là đất nhưng qua các lát cắt khảo cổ thấy ở chân thành có lớp đá kẻ, trên là lớp đất sét. Tường thành Ngoại nhiều đoạn đã bị phá hủy.
Thành được xây bằng đất, theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Thành Trung là một vòng tường khép kín không có hình dáng xác định do đắp nối các gò tự nhiên và men theo đầm hồ mà thành. Chu vi 6km; cao 6-12m; rộng 20m. Mặt ngoài lũy dốc thẳng đứng, mặt trong thoải để đánh vào thì khó, ở trong đánh ra thì dễ.
Thành Nội hình chữ nhật, được xây dựng theo bốn hướng chính: Nam, Bắc, Tây, Đông nhưng chỉ mở cửa ở chính giữa tường thành phía Nam. Quanh tường thành Nội có đắp 12 ụ đất nhô ra ngoài gọi là Hỏa hồi, Hỏa hồi được đắp rất cân xứng, mỗi tường ngang 2 chiếc, mỗi tường dọc 4 chiếc. Thành nội có chu vi 1,65km, đây là nơi ở của vua cùng một số quan lại triều đình.
Trên tường thành có đắp nhiều ụ đất cao hơn mặt thành và nhô ra phía ngoài để làm vọng canh và công sự phòng ngự. Trong ảnh là một phần tường thành ụ hỏa nổi thuộc vòng thành Nội.
Khu vực Cổ Loa được coi là một nền đất yếu nên việc xây dựng thành Cổ Loa có thể khó khăn và thành bị đổ nhiều lần. Khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, các nhà khảo cổ học phát hiện kỹ thuật gia cố thành của Thục Phán: Chân thành được chẹn một lớp đá tảng.
Được hình thành qua suốt hàng ngàn năm lịch sử, khu di tích thành Cổ Loa là một hệ thống các đền, đình, chùa, điếm, miếu - các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo công cộng ở hầu hết các địa phương trong vùng và các kiến trúc cổ dân dụng theo phong cách truyền thống trong các xóm làng. Trong ảnh là toàn cảnh khu di tích Cổ Loa.
Đền thờ An Dương Vương (đền Thượng) ở vị trí góc Đông Nam thành Nội. Đền quay hướng nam với các kiến trúc nằm theo trục Nam - Bắc. Cốt nền cao dần lên, bao gồm 3 cây hương đá, nghi môn ngoại, nghi môn nội, tả - hữu mạc, nhà bia, tiền đường, phương đình, trung đường, hậu cung.
Phía trước đền là một hồ nước lớn, ở giữa có giếng Ngọc (giếng Trọng Thủy - Mỵ Châu). Xưa hồ này thông nước với đầm Lan Trì và hệ thống đầm hồ phía Tây Bắc thành Trung và thành Ngoại tạo thành quần thể mặt nước lớn.
Giếng Ngọc gắn với truyền thuyết bi kịch của Mỵ Châu, Trọng Thủy. Sau khi dẫn quân đuổi theo An Dương Vương, đến nơi Trọng Thủy chỉ thấy xác Mỵ Châu, bèn ôm xác vợ về an táng tại Loa Thành rồi nhảy xuống giếng Ngọc tự vẫn. Nếu lấy nước giếng rửa những viên ngọc trai được tạo bởi máu của Mỵ Châu, ngọc sẽ sáng đẹp vô cùng.
Am Mỵ Châu là nơi thờ công chúa Mỵ Châu, con gái An Dương Vương. Am nằm ở trung tâm thành Nội, phía Tây đình Ngự Triều Di Quy.
Ban thờ công chúa Mỵ Châu bên trong. Trong truyền thuyết, nàng công chúa vì cả tin đã gây lầm lỗi, dẫn đến thảm họa mất nước Âu Lạc về tay Triệu Đà.
Miếu Cửa Nam tại vị trí cửa phía Nam thành Cổ Loa, là điểm sát nhau nhất giữa vòng thành Ngoại và Trung.
Điếm xóm Chùa thờ Cao Lỗ, nằm chính giữa cạnh Nam của vòng thành Nội.
Tượng Cao Lỗ, vị tướng tài của An Dương Vương, đã có công chế ra nỏ thần.