Thành Cổ Loa bị xâm phạm nghiêm trọng: Chuyên gia và Bộ Văn hoá nói gì?
(Dân trí) - Thời gian gần đây, việc Di tích Thành Cổ Loa bị xâm hại nghiêm trọng lại tiếp tục làm nóng giới chuyên môn lẫn dư luận. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không có giải pháp đồng bộ và khoa học, di tích này sẽ bị xoá sổ trong nay mai.
Dấu tích cũ đang bị biến dạng
Thành Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN), có tuổi đời 2.300 năm, từng được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ” đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Thực tế, việc xâm phạm này không phải mới xảy ra thời gian gần đây mà đã tồn tại từ khá lâu. Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, các vụ việc vi phạm di tích xảy ra năm 2015 có 39 vụ, năm 2016 có 36 vụ, năm 2017 có 25 vụ và 9 tháng đầu năm 2018 có 21 vụ vi phạm.
Đại diện BQL khu Di tích Cổ Loa cho biết, tại mặt thành và chân các vòng thành Nội, thành Trung, thành Ngoại có tới 1.000 hộ dân sinh sống từ nhiều đời nay, thậm chí tới 200 – 300 năm. Đây là yếu tố lịch sử để lại nên trước thời điểm Cổ Loa được công nhận di tích quốc gia năm 1962, khu vực này không có ai quản lý, người dân tự do xây dựng nhà cửa. Đến năm 2006, hầu như người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, vì thế vô tình đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và cuộc sống trong giai đoạn hiện nay.
Do nhu cầu cuộc sống người dân, một số đoạn trên mặt thành còn bị xẻ ra, san ủi để làm đường và xây dựng các công trình dân sinh. Hiện tại, vòng thành Nội gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất.
Vòng thành Trung và thành Ngoại vẫn còn giữ được hình dáng song độ cao đã bị thay đổi. Tại các hào nước, người dân còn lấp đi để xây nhà hoặc có khu vực được sử dụng trồng lúa, nuôi cá làm biến dạng các dấu tích cũ. Hơn nữa, di chỉ khảo cổ học Đồng Vông trên doi đất bên sông Hoàng Giang đang có nguy cơ bị xóa sổ vì các công trình dân sinh.
Ông Lê Viết Dũng, Phó Trưởng BQL Di tích Cổ Loa nhận định rằng, bi kịch của Cổ Loa hiện nay là bị quản lý theo kiểu “năm cha ba mẹ”. BQL Di tích Cổ Loa chỉ quản lý đình, đền, miếu, giếng ngọc, vườn thuyền, ao mắm…
Trong khi đó ba vòng thành, ba vòng hào và sông Hoàng Giang (điều kiện tự nhiên hình thành nên Cổ Loa) là do chính quyền xã Cổ Loa quản lý. Khi có vi phạm BQL cũng chỉ báo với chính quyền xã xử lý. Cách quản lý di tích thiếu đồng bộ khó lòng bảo vệ được Cổ Loa chứ chưa nói gì đến phát huy giá trị di tích.
Thiếu hụt trong nhận thức và bất cập trong tư duy quản lý
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù số lượng các vụ vi phạm ngày càng giảm nhưng mức độ vi phạm lại nghiêm trọng hơn rất nhiều so với trước đây. Tại cuộc tọa đàm “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển”, PGS.GS Lại Văn Tới - Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành nhận định, hiện nay tư duy bảo tồn Cổ Loa đang tập trung bảo vệ “lõi” là những công trình đình, đền, miếu mà quên đi thành, hào và sông quan trọng chẳng thua kém gì. Tất cả những yếu tố này cộng hưởng mới tạo nên tính toàn vẹn và giá trị độc đáo của Cổ Loa.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng cho rằng, Cổ Loa được đánh giá một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Ngoài ra lịch sử về Loa thành, huyền thoại về Mỵ Châu - Trọng Thủy đã khiến cho di tích này thêm phần đặc biệt.
Sau đợt khảo sát Di tích Cổ Loa, những người thực hiện đã không khỏi đau lòng khi chứng kiến dấu vết còn lại như thành, hào đang bị đô thị hóa xóa đi nhanh chóng. Việc bảo tồn di tích đang mâu thuẫn với nhu cầu phát triển của chính người dân địa phương, có quá nhiều vấn đề cần gỡ rối.
“Mức độ xâm hại thành và hào ở di tích Cổ Loa hiện nay là vô cùng nghiêm trọng. Nếu cơ quan quản lý không nhanh chóng có biện pháp hợp lý thì thành và hào Cổ Loa sẽ hoàn toàn bị hủy hoại, bị xóa sổ trong một thời gian ngắn”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, việc thành và hào ở Cổ Loa liên tục bị xâm hại nghiêm trọng đã cho thấy sự thiếu hụt trong nhận thức của công chúng và cả những bất cập trong tư duy quản lý và hoạch định về di sản trong gần 60 năm qua.
GS.TS, Lâm Mỹ Dung - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, Luật, quy định bảo vệ di tích đã có, phân cấp rất cẩn thận nhưng kết quả chưa cao vì thực hiện chưa thỏa đáng. GS Lâm Mỹ Dung còn cho rằng, giới nghiên cứu khoa học và nhà quản lý chưa thực sự hiểu và nối với nhau. Hiện nay đang hình thành “mốt” kêu gọi cộng đồng tham gia nhưng lại không xác định được cộng đồng nào.
“Ngoài ra tôi còn thấy một thực tế, nhà kinh tế rất ghét nhà khảo cổ. Điều đó không hề có lợi. Hiện nay các nhà khoa học đều thống nhất bảo tồn di sản để phát triển, biến di sản thành nguồn lực, chứ không ai còn nghĩ bảo vệ để đấy giữ là niềm tự hào”, bà Dung nói.
Trước vấn đề này, trả lời Dân trí về quan điểm của Bộ VHTT&DL, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản cho rằng, Cổ Loa là một Di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng. Di tích này trải dài trên một diện tích rất rộng và có cư dân sinh sống trong di tích từ trước cả năm 1962.
Cho nên việc tồn tại những công trình xây dựng, nhà ở riêng tư, nhà máy, hệ thống giao thông… như báo chí từng nêu trước đây là có nhiều vi phạm trong vấn đề bảo tồn di tích. Để hạn chế điều này, vào năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích này. Quy hoạch tổng thể này chính đây là căn cứ pháp lý để dần dần xử lý các vi phạm đó và tiến tới tương lai gần là đưa di tích này thành công viên lịch sử văn hóa, thành địa điểm du lịch.
Trước đây, quản lý di tích này giao cho TP. Hà Nội, sau này TP. Hà Nội đã giao trực tiếp cho BQL thành Cổ Loa. Đơn vị này là đơn vị chuyên môn trực thuộc TP Hà Nội có bộ máy đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu về năng lực để quản lý di tích này. Các chủ trương đầu tư cũng đã bắt đầu triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dựa trên đề án quy hoạch.
Về phía Bộ VHTT&DL, từ năm 2015 đến nay cũng đã thường xuyên phối hợp với Sở VH-TT Hà Nội thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động tại khu di tích này. Riêng việc quản lý, đầu tư, phát triển và bảo vệ lại thuộc trách nhiệm của TP. Hà Nội.
“Chúng tôi nghĩ rằng, với đề án Quy hoạch tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt, trong tương lai Di tích Cổ Loa sẽ được quản lý tốt hơn và sẽ phát huy được giá trị của mình. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng vi phạm di tích cũng đã giảm đi rất nhiều. Qua số liệu thống kê, chúng tôi thấy BQL Di tích Cổ Loa đã dần dần khắc phục được những hạn chế mà lịch sử để lại”, ông Thành nói.
“Khách thăm quan dễ nhận thấy Cổ Loa chưa phát triển du lịch. Khách đến chỉ vào dịp lễ hội đầu năm, 11 tháng còn lại trong năm chưa có khách. Khách đến mấy ngôi đình đền, còn di tích thành Cổ Loa không thu hút người tham gia.
Tại sao di tích lịch sử 2300 năm tuổi, độc nhất vô nhị của Đông Nam Á này lại không thể trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô?
Hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm hấp dẫn của Thủ đô vì có tiềm năng vật chất và lịch sử. Nguy cơ bị xâm thực trong bối cảnh đô thị hóa, bức xúc của người dân mong muốn thay đổi cuộc sống nên trở thành một mâu thuẫn.
Điều 32 Luật Di sản, các khu vực được bảo vệ phải được cơ quan chính quyền cắm mốc giới trên thực tế… Cho đến nay Cổ Loa chưa thực hiện được quy định này. Tại sao là một di tích quốc gia đặc biệt vậy mà 56 năm kể từ năm 1962 không làm được, khó khăn ở đâu, như thế nào?
Đình đền, miếu, giếng, vườn thuyền… còn hạt nhân của Loa Thành là ba vòng thành, ba vòng hào và kể cả sông Hoàng Giang là hạt nhân tạo nên địa thế Cổ Loa thì không được chú ý. Và BQL di tích chỉ được kiểm soát vòng ngoài thôi. Việc phân cấp quản lý di tích không đồng bộ, thiếu tập trung. Chỉ phát hiện vi phạm thôi, xử lý thế nào là do chính quyền.
Quan điểm vùng lõi của Cổ Loa đã đúng chưa? Quá ưu tiên vùng thành nội đình, đền, am, giếng phải chăng là quá máy móc, có phù hợp với tính riêng của Cổ Loa? Cách tập trung bảo vệ như vậy đã bao hàm đúng giá trị của Cổ Loa chưa?
Thành và hào và sông Hoàng Giang là ba thành tố quan trọng. Hào gần như bị lãng quên để chậm hơn nữa sẽ bị xâm hại. Cho đến nay chưa có đoạn hào nào được phục hồi cho rõ hình hài”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu.
Hà Tùng Long