“Phải thay đổi cả tư duy kinh tế”
(Dân trí) - “Cũng làm nông nghiệp nhưng một nước như Hà Lan “ngập” dưới biển thu 64 tỷ đồng/ha trong khi phấn đấu mãi, Việt Nam mới đạt 45 triệu đồng/ha” - Ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng là một trong nhiều ý kiến đề cập đến việc phải đổi tư duy kinh tế.
Buổi thảo luận tổ chiều 17/10 của đoàn ĐBQH TPHCM và tỉnh Đăk Lăk phải “phanh” bớt các ý kiến còn đầy sôi nổi về chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra năm 2009 và vấn đề tư duy kinh tế, khi các đoàn khác đã kết thúc khá lâu.
Đòi hỏi thay đổi tư duy kinh tế
Chạm đến vấn đề tư duy làm kinh tế, đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nếu thực hiện quyết liệt và có tính cách mạng, Việt Nam đã có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các lĩnh vực sản xuất hiện vẫn chỉ làm theo những phương cách cũ, không chút gì đổi mới.
Hơn 70% dân số Việt Nam hiện nay vẫn là nông dân, 23% trong số đó thuộc loại nghèo mà mức thu nhập tính ra chỉ 200.000 đồng/tháng.
Cũng làm nông nghiệp nhưng một nước như Hà Lan “ngập” dưới biển thu 64 tỷ đồng/ha trong khi phấn đấu mãi, Việt Nam mới đạt 45 triệu đồng/ha. So sánh những con số gọi là “thảm hại”, ông Dũng góp ý, phải nghĩ đến chuyện lớn hơn - thay đổi hình thế kinh tế đất nước.
Vẫn chất giọng đầy ngữ điệu, đại biểu Nguyễn Lân Dũng làm phòng họp bật cười. Ông cho rằng, QH bàn mãi về ngân sách, nhắc khoản này, bỏ khoản kia thì cũng không thay đổi được nhiều “tổng cuối”. Phải nghĩ tới việc thay đổi nông nghiệp, thay đổi cả tư duy kinh tế bằng công nghệ.
Trước đó, đại biểu Lê Thành Tâm (TPHCM) cũng nêu lên bức xúc, khi cả nước phải “gò” mình với các chỉ tiêu giảm nhập siêu, thắt chặt tiền tệ, tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện các giải pháp chống lạm phát, thì nhập khẩu, “đến phế liệu cũng vẫn nhập “rầm rầm” khiến cử tri bức xúc về trách nhiệm của đơn vị quản lý, cấp phép”.
Nghiêm khắc thắt chặt chi tiêu
Đây là ý kiến lo lắng của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Coopmart về các khoản bội chi ngân sách thời gian tới.
Ông Hòa nêu một vài con số, năm 2008, Chính phủ phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu, năm 2009 dự kiến sẽ tiếp tục vay nợ 30.000 tỷ đồng từ hình thức này. Như vậy là sẽ càng tăng thêm áp lực bội chi ngân sách.
Số vay tính đến đầu năm 2009 sẽ đẩy lên 48.000 tỷ đồng. Nếu nhìn tổng quát, tỷ lệ bội chi 4,95% là kiểm soát được. Nhưng thực tế, liệu có chịu nổi áp lực này, có nguồn khác để đi vay tiếp hay sẽ phải tính tới giải pháp nguy hiểm - phát hành thêm tiền.
Đại biểu Hòa đề nghị QH yêu cầu Bộ Tài chính giải trình trong kỳ họp này cũng như tính toán lại chính sách tài khóa 2009. “Phải cực kỳ nghiêm khắc và thắt chặt chi tiêu”, ông Hoà chốt lại.
Ông Hòa cũng cảnh báo về hệ quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát trong trung và dài hạn, việc hạn chế sản xuất sẽ đẩy giá cả lên do hàng hóa, sản phẩm ít.
Nhiều chỉ tiêu khó đạt
Bàn cụ thể về các chỉ tiêu kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Bé nhận xét, trong 12 điểm chính đề ra trong nghị quyết của QH, năm nay có khả năng đạt được 4 - 5 nội dung, còn lại khó hoàn thành.
Đại biểu Trần Đông Hà ước lượng, dự toán ngân sách giao cho thành phố năm nay còn 56.000 tỷ đồng, năm tới là trên 120.000 tỷ đồng, không dễ đạt. TPHCM với nguồn thu lớn như vậy, nơi có sự phát triển kinh tế năng động nhất cả nước nhưng tính lại, sau khi trừ hết các chi phí, còn lại cũng không đáng bao nhiêu.
Đại biểu Hà kiến nghị làm sao để 2009, Chính phủ cho phép thành phố nâng cấp quỹ đầu tư phát triển đô thị lên thành công ty đầu tư tài chính phát triển Thành phố. Quỹ này đã quá hạn hẹp nhưng nhiều lần xin phép mở rộng vẫn chưa được duyệt.
Phương Thảo