1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phú Yên:

Phá hàng trăm hecta rừng phòng hộ để... nuôi bò!

(Dân trí) - Nhiều diện tích rừng có chức năng phòng hộ tại tiểu khu 310 và 311 thuộc huyện Sông Hinh (Phú Yên) đang bị tàn phá để phục vụ dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Ngành chức năng Phú Yên cho rằng việc làm này là đúng quy trình.

Công khai chặt phá rừng

Theo báo cáo, tổng diện tích rừng mà tỉnh Phú Yên sẽ xóa bỏ để phục vụ dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao là 377 ha, trong đó có 273 ha rừng tự nhiên. Diện tích này sẽ được khai thác ở hai Tiểu khu 310 và 311 thuộc xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh nằm gần sát lòng hồ Thủy điện Sông Hinh. Đây là rừng tự nhiên tái sinh có chức năng phòng hộ đầu nguồn do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý.

Đánh đổi hàng trăm ha rừng có chức năng phòng hộ để phụ vụ dự án nuôi bò
Đánh đổi hàng trăm ha rừng có chức năng phòng hộ để phụ vụ dự án nuôi bò

Theo ghi nhận nhanh của PV Dân trí tại hiện trường, hiện tại có khoảng hơn 10 thợ cưa máy đang thực hiện chặt hạ nhiều cây gỗ ở đây, mỗi cây có đường kính từ 40 - 50cm. Quan sát nhanh có khoảng gần 50 ha rừng đã được chặt bỏ.

Số gỗ khai thác trước đã được tập kết và vận chuyển bớt một phần, số còn lại mới khai thác chưa kịp vận chuyển thì nằm ngổn ngang, chồng chéo lên nhau. Tiếng máy cưa, tiếng cây đổ ầm ầm, phá vỡ không gian cả một cánh rừng trước đây vốn yên bình.

Hoạt động chặt phá này là công khai và có sự giám sát của cán bộ kiểm lâm. Theo các công nhân trong đội cưa, với tốc độ làm và thời tiết ổn định như hiện nay, một ngày họ có thể đốn đổ ít nhất 5 - 10 ha rừng tại đây.

Với vẻ mặt lo lắng, bất lực nhìn rừng phòng hộ bị chặt hạ, ông Nguyễn Đình Phú, người dân thôn Lương Phước, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, nói: “Đây là rừng phòng hộ không thể đánh đổi. Nếu đây là rừng sản xuất thì tôi đồng ý. Tôi xem tivi và tìm hiểu thông tin đại chúng thì được biết Thủ tướng yêu cầu phải giữ rừng phòng hộ, vậy mà chính quyền tỉnh Phú Yên lại có chủ trương phá bỏ. Phục vụ cho một công ty mà phá cả cánh rừng thì người dân như tôi và cả hàng trăm, hàng nghìn người đều không đồng ý…”.

Còn ông Nguyễn Phú Triển, Trưởng trạm Bảo vệ rừng Buôn Thung thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh nói bằng giọng thờ ơ: “Quay phim, chụp hình thì các anh chị cứ việc, còn muốn tìm hiểu gì thì về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên để liên hệ. Tôi quản lý việc chặt bỏ rừng này và đã có quyết định của Sở và đây là dự án của Sở”.

Liên quan việc phá rừng để triển khai dự án nuôi bò chất lượng cao, tỉnh Phú Yên đã nhiều lần tổ chức họp dân nhưng phần lớn người dân không đồng ý. Dân cho rằng một dự án cho một doanh nghiệp mà phải đánh đổi diện tích hàng trăm hecta rừng phòng hộ là không đáng.

Ông Huỳnh Tấn Lợi, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, cho rằng: “Dự án nuôi bò chỉ là lớp vỏ bề ngoài còn thực chất là khai thác rừng để lấy gỗ. Nguy hiểm hơn là ở vùng 310 và 311 có hai mỏ vàng. Người dân chúng tôi rất bức xúc. Khi dự án này được phê duyệt thì vàng này sẽ được khai thác khoáng sản. Và khi khai thác khoáng sản thì toàn bộ nguồn nước này sẽ bị ô nhiễm… Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm về đây để xem xét hiện trạng và đình chỉ việc làm này”.

Chủ trương lớn nên phải đánh đổi (?)

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: “Nuôi bò chất lượng cao không phải chỗ nào cũng nuôi được mà cần thổ nhưỡng, khí hậu hợp lý. Chính vì vậy nên bắt buộc phải đánh đổi và thu hồi rừng tại Tiểu khu 310 và 311. Ngoài ra dự án nuôi bò không chỉ là ở cơ sở nuôi bò mà đi theo nó là những ngành công nghiệp về thịt, sữa, da, giày… nên cần phải có một diện tích đủ lớn như vậy”.

Hàng loạt cây lớn nhỏ bị chặt phá tại rừng hai tiểu khu 310 và 311
Hàng loạt cây lớn nhỏ bị chặt phá tại rừng hai tiểu khu 310 và 311

Theo đó, Dự án chăn nuôi dò thịt chất lượng cao của Công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Yên đã được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận. Để thực hiện dự án, diện tích cần thu hồi là hơn 463 ha tại Tiểu khu 310 và 311 do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý và đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại quyết định số 2133/QĐ-BTNMT, ngày 15/9/2016.

Một trong những nội dung trong quyết định này có nêu rõ: “Chỉ được triển khai thực hiện dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới đang thuê đơn vị tư vấn khảo sát thực địa với diện tích khoảng 500 ha để chọn lọc ra khoảng 377 ha lập phương án trồng rừng thay thế. Điều đó cho thấy tỉnh Phú Yên đã không tuân thủ theo quyết định đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: “Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm thủ tục bàn giao công việc cho Sở Nông nghiệp và cũng đã hướng dẫn cho công ty rồi, phần thủ tục còn lại là khai thác rừng, quản lý rừng thì Sở Nông nghiệp sẽ trao đổi".

Dẫu biết mỗi dự án của tỉnh khi được thành lập đều hướng đến việc phát triển kinh tế và cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, nhưng liệu đánh đổi giữa dự án với hàng trăm hecta rừng phòng hộ có đáng hay không? Bên cạnh đó là các tác động môi trường và hệ lụy của việc phá rừng. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền đánh giá lại vấn đề thấu đáo để thỏa lòng người dân.

Trung Thi