1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Trịnh Văn Quyết có bị thu hồi thẻ luật sư?

Thế Kha

(Dân trí) - Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch Tập đoàn FLC, đã có nhiều thắc mắc về việc ông này có bị thu hồi thẻ luật sư?

Ngày 5/4, thông tin từ Đoàn luật sư TP Hà Nội cho thấy, ông Trịnh Văn Quyết hiện vẫn đang hoạt động luật sư và đại diện cho Công ty luật TNHH SMiC; số thẻ luật sư là 993. Ông Quyết được kết nạp làm thành viên Đoàn luật sư TP Hà Nội từ ngày 30/7/2004.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Ủy ban Khen thưởng- Kỷ luật thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng Đoàn luật sư TP Hà Nội phải tiến hành rà soát lại hoạt động hành nghề luật sư của ông Trịnh Văn Quyết.

"Nếu thấy ông Quyết đang hành nghề luật sư thì có thể cân nhắc ra quyết định tạm dừng các hoạt động hành nghề. Thực tế thì từ lâu rồi ông Quyết có làm nghề luật sư, có sống bằng nghề luật sư đâu"- vị này cho hay.

Theo quy định hiện hành, khi nào tòa án xét xử, ban hành bản án có hiệu lực pháp luật thì lúc đó ông Quyết sẽ không còn đủ tiêu chuẩn hành nghề luật sư nữa, đủ cơ sở để cơ quan thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư và thẻ luật sư.

Ông Trịnh Văn Quyết có bị thu hồi thẻ luật sư? - 1

Ông Trịnh Văn Quyết trước khi bị khởi tố (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, Thông tư số 05/2021/TT-BTP hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư đã quy định rất rõ chuyện này.

Tại Điều 5 Thông tư số 05 nêu rõ, khi có căn cứ xác định luật sư thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết có thể thuộc vào lý do "bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật".

Vì vậy, nếu ông Trịnh Văn Quyết bị đưa ra xét xử và sau đó bản án của tòa có hiệu lực pháp luật thì Đoàn luật sư TP Hà Nội (nơi ông Quyết là thành viên) sẽ phải có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ ra quyết định thu hồi Thẻ luật sư.

Hằng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Ông Trịnh Văn Quyết có bị thu hồi thẻ luật sư? - 2

Thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.

Được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, vị doanh nhân sinh năm 1975 đã mở Công ty luật TNHH SMiC chuyên tư vấn luật, quản lý đầu tư.

Ông Trịnh Văn Quyết từng chia sẻ: "Quá trình làm nghề luật cho tôi tiền bạc, kinh nghiệm, mối quan hệ, cơ hội kinh doanh và cả sự cẩn trọng. Còn làm doanh nhân giúp tôi biến những cơ hội kinh doanh ấy thành tiền và duy trì nó hoạt động trên cơ sở làm đúng và rút kinh nghiệm từ chính những vấp ngã của khách hàng mà tôi tiếp xúc khi hành nghề luật sư".

Năm 2012, ông Trịnh Văn Quyết là 1 trong 5 luật sư tiêu biểu của năm, trong sự kiện do Bộ Tư pháp tổ chức.

Như Dân trí đã phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC để điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động trong hoạt động chứng khoán"; đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 điểm đối với các đối tượng liên quan.

Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 3 tháng đối với Trịnh Thị Minh Huế - cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC để làm rõ vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội "Thao túng thị trường chứng khoán".

Các trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

Điều 18 Luật Luật sư quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư như sau:

Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Không còn thường trú tại Việt Nam;

d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

đ) Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;

e) Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;

g) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

h) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

i) Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;

k) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư thì thông báo cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thu hồi Thẻ luật sư.