Ông Thắng "bao đồng" lấy đất dưỡng già chôn cất người dưng
(Dân trí) - Giữa thời buổi "tấc đất tấc vàng" mà có người lại đi lo hậu sự miễn phí cho người dưng trên đất của mình. Hỏi người dân sống gần đó mới hay, đây không phải là chuyện đùa.
Đó là ông Nguyễn Xuân Thắng (SN 1957, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), một người có nhiều năm làm dịch vụ mai táng. Sẽ chẳng có gì để nói nếu ông hành nghề bình thường như bao người khác. Điều khác biệt ở ông Thắng là lòng thương người, tinh thần "nghĩa hiệp" hiếm thấy. Hễ ai đến hỏi dịch vụ mai táng, mua hòm mà kể gia cảnh khó khăn là ông… tặng luôn. Còn những người xấu số chết sông, chết biển, tai nạn giao thông... không có người thân đến nhận, ông sẵn sàng đưa về nhà tẩm liệm, mai táng tươm tất tại mảnh đất dưỡng già của mình.
Người đàn ông nghĩa hiệp
Ngôi nhà nhỏ nằm đối diện khu chợ Hòa Khánh Nam từ lâu đã trở thành địa điểm "hot" của khu phố này. Khi đến đây, chỉ cần hỏi "ông Thắng mai táng từ thiện" là ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường rất chu đáo.
Sau nhiều lần hẹn gặp bất thành vì ông Thắng phải đi "công tác" với cái nghề chẳng bao giờ được cười với khách, chúng tôi đã gặp được ông vào một buổi trưa nắng nóng.
Hình ảnh ấn tượng đầu tiên về người đàn ông dành cả đời cho người đã khuất là một "ông chú" với gương mặt hiền hậu và cách nói chuyện từ tốn, chân thành.
Ngồi bên ấm chè xanh, ông Thắng vui vẻ tiếp tôi: "Ngồi đây, để tôi kể cho nghe, chuyện dài lắm".
Nhiều năm về trước, gia cảnh khó khăn nên gia đình ông phải lên Tây Nguyên để lập nghiệp. Tha hương hơn chục năm, cái nghèo, cái khó vẫn đu bám mãi, cả nhà ông lại dắt nhau về quê Đà Nẵng để mưu sinh.
Năm 2005, ông được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng sửa lại mái nhà cho có nơi đàng hoàng sinh sống. Từ hồi có căn nhà ấm cúng, ông chuyển sang làm dịch vụ mai táng, từ đó cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
Thấm thía cảnh cơ hàn, khổ cực của dân lao động nghèo, lại thêm gắn bó với nghề nhiều năm gặp không biết bao nhiêu cái đám tang tận cùng khổ cực, ông phát tâm từ thiện như một lẽ phải làm.
"Khi mình khó khăn xã hội giúp mình được, bây giờ mình giúp lại người khác được gì thì mình làm thôi", ông Thắng bộc bạch.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mà phòng khách làm nơi chứa quan tài, ông chỉ tay vào những chiếc quan tài nói: "Đây là "quỹ quan tài" cho người nghèo khó. Cứ gặp người đã khuất nào có gia cảnh khổ cực là anh em trong đội mai táng của tôi đem quan tài đến giúp họ ngay".
Nhiều người nghĩ ông Thắng giàu có nên làm việc thiện tích đức và có tiếng thơm, nhưng mấy ai biết dù là chủ của một dịch vụ tang lễ với hàng chục nhân công, hai vợ chồng ông Thắng vẫn sống trong căn nhà tình nghĩa năm nào.
Việc có tiền dư trong người đối với ông là hiếm, nhiều lắm chỉ vài trăm ngàn xăng xe, hút thuốc, có hôm còn vài chục bạc đi đường gặp người nào thương hại là ông cũng móc túi cho luôn.
"Vác tù và hàng tổng"
Chuyện mai táng miễn phí, giúp đỡ quan tài cho người nghèo khó đã là chuyện hiếm có trên đời, nhưng chuyện ông Thắng đưa những người quá cố không quen biết về nhà mình tẩm liệm, chôn cất lại càng "khó hiểu" hơn.
Bởi lẽ những người làm nghề này sợ nhất là mai táng cho những người chết biển, chết sông, không có tên tuổi… vì khi mai táng xong không biết lấy tiền ở đâu. Nhưng ông Thắng nghĩ khác. Ông kể: Năm 2006, một thi thể nam thanh niên dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành, trên người không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào.
Sau khi cơ quan chức năng đến làm việc và gọi cho dịch vụ mai táng nhưng không có cơ sở nào nhận lời chôn cất, cũng là lúc ông Thắng nghe tin. Ông liền tức tốc gọi cho hơn chục anh em kéo ngay chiếc quan tài gần hai chục triệu đi về phía biển, tiến hành lo hậu sự cho người xấu số.
Không chỉ dừng lại ở việc tang ma tươm tất, ông Thắng còn lo cả đất đai chôn cất cho người quá cố không có nơi yên nghỉ. Những hoàn cảnh như vậy ông đưa thi thể về nhà mình, tự tay xây cho họ những ngôi mộ trên chính mảnh đất dưỡng già của hai vợ chồng.
Nhấp chén trà còn đang uống dở, ông Thắng bồi hồi nhớ lại thời điểm ông mai táng người dưng đầu tiên ngay trên mảnh đất nhà mình. Ông kể, cách đây vài năm ông nhận điện thoại có một cậu thanh niên tự vẫn mà nhà nghèo đến mức không có tiền mua đất để an táng.
Thương cảm cho hoàn cảnh của con người khốn khổ, ông nghĩ ngay đến mảnh đất dưỡng già của mình mới mua. Nghĩ là làm, thi thể cậu thanh niên ấy là người đầu tiên được ông "đón" về mảnh đất đó. Xong dịch vụ đám tang, ông cũng không lấy một đồng thù lao nào.
"Cũng là một kiếp người nhưng số phận họ bi đát hơn nên khi mất đi họ vẫn cần mình giúp đỡ… Bây giờ, khu đất của tôi đã không còn chỗ trống với gần 60 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau. Tôi chỉ mong có được một mảnh khác để tiếp tục giúp đỡ những người nghèo khi họ nằm xuống", ông Thắng tâm sự.
Gần 20 năm lo "chuyện thiên hạ", người đàn ông nghĩa hiệp này đã lo hậu sự chu đáo cho cả trăm người nghèo khi họ qua đời. Ông không thể nhớ hết bao nhiêu lần và đó là những ai, đến từ phương nào. Họ là những người tứ xứ tha hương đến Đà Nẵng mưu sinh rồi qua đời trên mảnh đất này, là bà con xóm nghèo, gặp nạn sông nước, tai nạn giao thông...
Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, nhiều năm qua ông Thắng đã tiếp sức hỗ trợ rất nhiều cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), bày tỏ, ông Thắng rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại hội. Không chỉ lo tang ma chu đáo cho người nghèo, ông Thắng còn hỗ trợ tiền tàu xe, gạo cơm cho gia đình gặp nạn, ủng hộ tiền mua xe lăn cho người khuyết tật, mua đất giúp người có hoàn cảnh khó khăn chôn cất người thân...