DMagazine

Ông Phạm Thế Duyệt: "Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững"

(Dân trí) - Trò chuyện với phóng viên Dân trí nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt bày tỏ tâm đắc về những vấn đề Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay…

Trò chuyện với Dân trí nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2020), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt bày tỏ tâm đắc về những vấn đề Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay…

Ông Phạm Thế Duyệt: Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững - 1

Trong gần 90 năm xây dựng, phát triển Đảng, theo thống kê, Đảng đã tiến hành 4 cuộc chỉnh đốn lớn (thể hiện qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII năm 1999 về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng lúc bấy giờ, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ban hành năm 2012 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII năm 2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ). Ông nhận xét gì về những lần chỉnh đốn Đảng trong 2 khóa XI, XII liên tiếp gần đây để phù hợp với tình hình mới?

Ông Phạm Thế Duyệt: Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững - 2

Đảng ta trong 90 năm xây dựng, dù là thắng lợi, đạt nhiều kết quả lớn nhưng Đảng bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng đảng, coi xây dựng đảng là việc cốt yếu để giữ được vai trò lãnh đạo, giữ uy tín với dân, tập hợp được toàn dân tộc. Đối với Bác Hồ, đây là tư tưởng cốt yếu. Bác từng nói, đừng tưởng hôm nay Đảng ta vĩ đại mà ngày mai vẫn tiếp tục vĩ đại. Nếu không có sự rèn luyện, chỉnh đốn Đảng, không có cách xây dựng đảng đúng mức thì động cơ, suy nghĩ của các cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao thì cũng dễ bị thoái hóa, rơi vào con đường chủ nghĩa cá nhân, con đường địa vị, danh vọng.

Nói về xây dựng Đảng có mấy lần thì tôi cũng không phân biệt được một cách rành rọt nhưng có thể khái quát là bất cứ lúc nào, kể cả từ khi thành lập, Đảng đã phải coi trọng vấn đề xây dựng, chỉnh đốn đảng, phải coi trọng chất lượng của Đảng viên. Dù đúng là có thể có những cái mốc mạnh mẽ nhưng tôi nghĩ, Đảng luôn luôn coi chỉnh đốn là việc thường xuyên.

Cụ thể, những lần chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới có gì khác so với 2 lần chỉnh đốn dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thưa ông?

Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tôi nhớ rất rõ vì khi đó tôi đã là “người trong cuộc” vì tham gia Ban chấp hành Trung ương từ khóa V, Đảng đã đề cao việc đề phòng diễn biến, đổi mới nhưng không “đổi màu”, đổi mới nhưng không được biến chất… Rồi việc đề phòng 4 nguy cơ quan liêu tham nhũng, diễn biến hòa bình, tụt hậu… cũng đã đề ra từ Đại hội VI.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi khi đó làm Thường trực Bộ Chính trị, đã nhận thấy tình hình rất nguy hiểm vì có nhiều biểu hiện suy thoái, nhất là về đạo đức lối sống của cán bộ, Đảng viên, dù vấn đề suy thoái chính trị chưa nổi bật lên. Nhiều lãnh đạo không có ý thức phấn đấu, xây dựng chủ nghĩa xã hội, lo cho giai cấp, cho đồng bào nữa mà chỉ nhăm nhăm nghĩ đến chuyện vinh thân phì gia, chỉ lo cho gia đình mình, nghĩ đến lợi lộc của con em, họ hàng nhà mình, địa phương mình.

Năm đó, tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thể hiện sự quyết tâm cao. Tôi nhớ hội nghị của Trung ương đối với cán bộ là Bí thư, Chủ tịch tỉnh, các Ủy viên trung ương để quán triệt Nghị quyết ấy khi ấy, bản thân tôi cũng thấy hừng hực trong người. Tại hội nghị, tôi nhớ đã nói như một lời thề rằng Đảng này nhất định phải làm cho được việc giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh, phải xây dựng, chỉnh đốn thành công như Nghị quyết đã đề ra. Nhưng đáng tiếc, khi thực hiện thì các hoạt động lại bị rơi vào sự trầm lắng, đến 2-3 khóa sau vẫn không thể hiện được tinh thần của Nghị quyết.

Ông Phạm Thế Duyệt: Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững - 3

Vậy nên nhấn mạnh đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI rồi Trung ương 4 khóa, XII, từ nhận định “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã rơi vào suy thoái về đạo đức, lối sống tư tưởng chính trị về tự diễn biến, tự chuyển hóa” tới việc cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những vấn đề mà tôi rất tâm đắc, chứ không phải cứ tập trung xử án nhiều mới là chỉnh đốn Đảng đâu.

Đúng là Đảng đã rất quyết liệt và thẳng thắn trong vấn đề xử lý cán bộ, không có vùng cấm, ai sai cũng phải xem xét, kể cả người đã nghỉ hưu. Tôi rất đồng tình. Đó là vì tình hình vừa qua có nhiều vấn đề phức tạp quá. Đến thời điểm này đã có 2 - 3 Ủy viên Bộ Chính trị phải đặt dấu hỏi rồi. Trong Trung ương thì lãnh đạo các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội… đụng đến là thấy sai. Thực sự vấn đề không đơn giản chút nào.

Ông Phạm Thế Duyệt: Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững - 4

Là người đứng ở vị trí quan sát, với rất nhiều trải nghiệm về những lần chỉnh đốn Đảng đã qua, ông đánh giá thế nào về kết quả 2 lần chỉnh đốn Đảng, gắn với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang chủ trì?

Vừa qua, Đảng làm như vậy là rất quyết liệt bởi vì trong Đảng, một bộ phận không nhỏ đã suy thoái. Không suy diễn một chiều nhưng ta phải xem xét, chỉ rõ ai là người lợi dụng chức quyền, ai là người suy thoái, phải chăng đó là những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, giữ những vị trí quan trọng từ trung ương xuống đến cơ sở. Nếu cái “bộ phận không nhỏ” mà lại rơi vào bộ phận nhỏ, ở trên cùng ấy, cái phần không thể đông được... thì nguy quá. Phải thấy cái nguy, nếu có, chính là ở đây. Đảng nhất định phải có một Bộ Chính trị mạnh chứ không thì Ban chấp hành Trung ương tê liệt. Và Trung ương thế nào thì hệ thống phía dưới cũng sẽ như vậy.

Vậy nên nếu cán bộ phía trên đi vào con đường tham nhũng, đi vào con đường kiếm chác, đi vào con đường lợi lộc như thể hiện ở các vụ án đã xử lý thì ở dưới tiêu cực, tham nhũng sẽ có điều kiện ghê gớm để phát triển.

Trung ương đã có những nghị quyết, quyết sách quyết liệt, ráo riết như vậy và những quyết sách đó đã vào cuộc sống, thể hiện ở bề nổi là thấy tham nhũng dường như đỡ phức tạp hơn nhưng nhìn vào từng cơ quan, từng giao dịch của cán bộ với nhân dân, nhìn vào quan hệ của cấp trên cấp dưới, nhìn vào lối sống của cán bộ… xem đã thanh thoát, trong sạch chưa thì tôi không dám đánh giá, tôi chỉ nghĩ là vẫn cần hết sức thận trọng, đừng chủ quan. Đừng nghĩ rằng chúng ta đã có quyết tâm, đã xử lý một loạt cán bộ đảng viên với gần 20 ủy viên Trung ương, hơn 80 người thuộc diện Trung ương quản lý mà cho là đã thành công, đã đủ yên tâm. Đừng nên nghĩ đơn giản như vậy.

Ông Phạm Thế Duyệt: Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững - 5

Ông từng kể chuyện, gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông có nói: “Nhiệm vụ chính của anh trong khóa XII này là phải chuẩn bị được cán bộ cho khóa tới”. Chỉ còn 1 năm nữa sẽ tới Đại hội XII, Trung ương đang ráo riết chuẩn bị công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Nhưng xung quanh việc này hiện cũng đã rất nhiều dư luận, đồn đoán. Ông đánh giá thế nào về những dư luận như vậy?

Lúc này, chuẩn bị Đại hội XIII, Đảng đang đi tiếp bước nữa là đề ra những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, không để người có mưu lợi cá nhân lọt vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt tinh thần, những người không vì lợi ích của Đảng thì đứng dẹp qua một bên.

Nói về tiêu chuẩn cán bộ cấp ủy, tiêu chuẩn lãnh đạo thì thực tế, chính trong đội ngũ của chúng ta, nhiều người không dám nói công khai nhưng vẫn thầm thì riêng với nhau thế này thế khác.

Giờ phải nhìn thẳng thực tế là vấn đề lòng tin của người dân có những diễn biến khác trước, có sự suy giảm cho nên nói gì chăng nữa thì nguyên tắc xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn phải coi việc lựa chọn cán bộ, lựa chọn cấp ủy phải phát huy sức mạnh của toàn Đảng, từ cơ sở lên Trung ương.

Ông Phạm Thế Duyệt: Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững - 6

Trong phát biểu mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nói, đến thời điểm này đã rộ lên tin đồn về vấn đề nhân sự, thậm chí là cũng không loại trừ những thông tin về việc chạy chức chạy quyền mà đấy là những biểu hiện mà mình phải ngăn chặn trong xây dựng Đảng. Ông đã thấy yên tâm đối với công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho khóa tới của Đảng?

Tôi muốn nói hai ý. Thứ nhất, nhân tài và con người, chúng ta không thiếu. Thứ hai, nghĩ cách làm sao chọn được người tài. Đừng tư duy theo kiểu trước đây, “tuần tự như tiến”, “sống lâu lên lão làng” mà phải nhìn vào hành động, nhìn vào cuộc sống mà đánh giá con người.

Trong Đảng ta, trong Ban chấp hành Trung ương rất nhiều đồng chí đã kinh qua công việc, thử thách mà không có điều tiếng gì, phân công việc thì đến đâu cũng vẫn làm được. Những người như vậy thì hết sức đừng để lọt, để trình tự, thủ tục rườm rà, quy trình cứ phải vào Ban Bí thư rồi mới lên Bộ Chính trị… Tôi cũng rút kinh nghiệm bản thân thôi, khóa V, tôi là ủy viên Trung ương dự khuyết nhưng khóa VI đã vào Ban Bí thư rồi, mà các ủy viên chính thức khi đó đều cách tôi 20 tuổi cả.

Tôi nghỉ hưu đã lâu, hàng chục năm rồi, dù chỉ nghe một cách không chính thức nhưng đúng là dư luận cũng nhiều, vẫn cứ đến tai những chuyện như vậy.

Vậy nên, 200-300 người nằm trong quy hoạch cho Trung ương khóa tới là rất quan trọng, phải coi đó là nguồn cán bộ chủ yếu nhưng cũng nên lắng nghe ý kiến của Đại hội, lắng nghe ý kiến của các địa phương để có thêm những nhân tố tốt. Khóa V của chúng tôi, thực tế có những đồng chí trung ương không phải là đại biểu tham dự đại hội mà vẫn được giới thiệu, được bầu, họp đại hội xong phải đưa xe về địa phương đón lên đó.

Như ông nói, quy trình nhân sự, từ phát hiện, bồi dưỡng, quy hoạch… qua nhiều bước chặt chẽ nhưng cũng chính là rào cản rườm rà mà nhiều trường hợp vẫn là… chọn nhầm. Thậm chí, có những trường hợp đã được cảnh báo mà sau rốt vẫn lọt cửa, lên cao, sau khi vấp ngã mới lộ?

Có những cá nhân, tôi biết anh ấy có khuyết điểm, mà khuyết điểm thể hiện đó là con người thiếu ý thức tổ chức, nếu nói nặng là vô kỷ luật thì cũng đúng nhưng rồi vì không cẩn thận, không làm rõ được ra để xử lý, rồi xuê xoa đi, rồi lại quyết tâng lên, đưa lên hết chức này tới chức kia. Và cuối cùng, như giờ chúng ta thấy đấy. Đó là ông Nguyễn Bắc Son đấy…. (thở dài).

Nhưng tôi buồn về những việc đến mức như thế chứ không dao động. Cán bộ xử thế chứ xử nhiều nữa càng tin tưởng. Cần đánh giá như thế là tốt vì Đảng có vững mới làm được như vậy. 90 năm, không ai có thể tranh được quyền lãnh đạo của Đảng vào thời điểm này và tôi nghĩ rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng tốt thì Đảng mãi mãi đúng hướng và có uy tín với dân.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Thế Duyệt: Bộ Chính trị có mạnh, Trung ương mới vững - 7

Bài viết: Phương Thảo

Thiết kế: Ngọc Diệp