Ông Lê Minh Trí làm Chánh án TAND Tối cao
(Dân trí) - Quốc hội khóa XV thống nhất bầu ông Lê Minh Trí giữ chức Chánh án TAND Tối cao thay ông Nguyễn Hòa Bình. Trước đó, ông Trí từng có hơn 8 năm làm Viện trưởng VKSND Tối cao.
438/438 đại biểu Quốc hội (91,06% tổng số đại biểu Quốc hội) có mặt đã bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chánh án TAND Tối cao đối với ông Lê Minh Trí, tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 8, chiều 26/8.
Ngay sau khi được bầu, tân Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội, theo quy định của Hiến pháp.
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chánh án TAND Tối cao tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó", ông Lê Minh Trí tuyên thệ.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Quốc hội đã phân công và bầu ông giữ trọng trách mới.
Ông chia sẻ đây là một vinh dự to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
"Tôi vui vì nhận nhiệm vụ mới, nhưng cũng có nhiều trăn trở, suy nghĩ vì nhận thức đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách phía trước", ông Trí chia sẻ.
Theo ông, câu hỏi đầu tiên là phải làm sao giữ được những thành quả của các bậc tiền bối, tiền nhiệm đã gây dựng. Bên cạnh đó, trước yêu cầu kỷ luật, kỷ cương của Đảng hiện nay, trước yêu cầu của pháp luật ngày càng cao và sự mong đợi, đòi hỏi của nhân dân, ngành Tòa án cần làm gì để được nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ.
Các nhiệm vụ được tân Chánh án đề cập là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ sự công bằng, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân. Những nhiệm vụ này, theo ông, để góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền tư pháp liêm chính.
Tân Chánh án TAND Tối cao cam kết trong thực hiện nhiệm vụ sẽ tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp; nỗ lực cao nhất trong thực hiện lời tuyên thệ của mình.
"Tôi sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả, những mặt tích cực của các bậc tiền nhiệm và Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã gây dựng; sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót mà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra với ngành Tòa án", ông Lê Minh Trí nói.
Ông nhấn mạnh quan trọng hơn là phải xây dựng và củng cố được lòng tin của đại đa số nhân dân vào nền tư pháp của nước nhà; cố gắng thực hiện phương châm "nói ít, nỗ lực làm nhiều" để được dân tin, tăng cường lắng nghe góp ý và chấp hành nghiêm túc sự giám sát của nhân dân, của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội đối với hoạt động của tòa án các cấp.
Ông Lê Minh Trí sinh năm 1960, quê ở huyện Củ Chi, TPHCM. Ông có trình độ Cử nhân An ninh nhân dân và Cử nhân Luật.
Ông Trí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII (từ 8/2024) và đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Ông Lê Minh Trí bắt đầu sự nghiệp trong ngành công an. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân), ông Trí là Phó Đội trưởng rồi Phó Trưởng phòng Tham mưu an ninh, Công an TPHCM.
Giữa năm 1992, ông là cán bộ biệt phái cấp hàm Trung tá An ninh, Thư ký Chủ tịch UBND TPHCM.
Sau đó, ông lần lượt kinh qua nhiều vị trí công tác tại địa phương như: Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND TPHCM; Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận 11, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận 1, trước khi trở thành Phó Chủ tịch TPHCM vào đầu năm 2010.
Sau 3 năm làm Phó Chủ tịch TPHCM, ông Trí được Ban Bí thư điều động giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào tháng 4/2013 và giữ cương vị này 3 năm, trước khi được bầu làm Viện trưởng VKSND Tối cao vào tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.
TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Theo quy định của Luật Tổ chức TAND, TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Việt Nam.
Chánh án TAND Tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Chánh án TAND Tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Luật Tổ chức TAND quy định Chánh án TAND Tối cao có nhiệm vụ tổ chức công tác xét xử của TAND Tối cao; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Chánh án cũng là chủ tọa phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật; trình Chủ tịch nước đề xuất về trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.
Đây cũng là người có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND Tối cao; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND Tối cao, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND....