1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian

(Dân trí) - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, giải quyết ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM để người dân được sống trong môi trường trong lành.

Tại cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí vừa diễn ra, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết diễn biến ô nhiễm không khí trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM - một số ngày ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp. 

Theo ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí thời gian qua là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường.

Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương...

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt.

Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách.

Trong đó, Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao cần xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương; ưu tiên quan trắc, đánh giá xác định nguồn ô nhiễm bụi mịn để từ đó có giải pháp kiểm soát, khắc phục.
Tại các nơi có nguy cơ cao cần đẩy nhanh việc ban hành và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân; khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trồng nhiều cây xanh, phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán…

Ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian - 2
Ô nhiễm không khí ở đô thị ngày càng đáng lo ngại.

Tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông; xây dựng và ban hành kế hoạch thu hồi, tái chế, xử lý thiết bị, ắc quy từ xe điện.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông vận tải sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển phương tiện giao thông, xe điện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh.

Trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn. Việc xây dựng các công trình giao thông trong đô thị phải có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khi thực hiện.

Bộ Y tế sẽ đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe, đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm (người già, trẻ em, học sinh…) trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức rất xấu, nguy hại.

Dự thảo chỉ thị cũng đề xuất giao Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng cần phải tiếp tục đầu tư các trạm quan trắc không khí, từ đó sớm xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Đặc biệt, giải quyết ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm