1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ TN-MT công bố 6 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

(Dân trí) - Sau cuộc họp khẩn với đại diện các bộ ngành, Hà Nội, TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết có 6 nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí; đồng thời công bố địa chỉ chính thức đưa ra cảnh báo tới cộng đồng về chât lượng không khí.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, hôm qua (19/12), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp khẩn với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn phòng Chính phủ, TP Hà Nội và TPHCM.

Thông báo về nội dung cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Bộ TN-MT công bố 6 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí - 1

Ô nhiễm bụi ở các đô thị gây lo lắng cho người dân.

Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 tại trạm quốc gia đặt tại 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) có xu hướng giảm từ năm 2013 đến 2017. Từ năm 2018-2019 nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng hơn so với 2017.

So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, từ tháng 9 đến giữa tháng 12/2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.

Xu hướng biến động của bụi PM2.5 tại thành phố Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Mùa đông, gió mùa Đông Bắc cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí tăng cao.

Ngược lại, trong mùa hè, các tỉnh thành phía bắc chịu tác động của gió Tây Nam và Đông Nam, cùng những cơn mưa thường xuyên rửa trôi bụi bẩn trong không khí. Kết quả là, các tỉnh thành phía Bắc có nồng độ bụi PM2.5 trong mùa hè giảm đi rất nhiều so với mùa đông.

6 nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cuộc họp đã thống nhất 6 nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí.

Thứ nhất, khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại thành phố Hà Nội có hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; TPHCM 700 nghìn ô tô là 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Thứ hai, phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng, con số này lớn hơn tại TPHCM).

Thứ ba, phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương.

Thứ tư, khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..). Riêng tại TPHCM có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải.

Thứ năm, phát sinh từ việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh (chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, hiện nay có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng mỗi ngày).

Thứ sáu, ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là xu hướng chung của các nước trong khu vực (Thái Lan, Iran, Hàn Quốc…) cũng đã xuất hiện các đợt ô nhiễm không khí trong thời gian qua.

Bộ TN-MT công bố 6 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí - 2

Cuộc họp chiều 19/12 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì. 

Giải pháp cấp bách và lâu dài

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND các tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường để tăng số lượng các trạm quan trắc, bảo đảm cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về các chỉ số môi trường không khí.

Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành ngay khuyến cáo chính thức để người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe theo mức độ ô nhiễm môi trường không khí.

“Tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông”- Bộ này cho hay.

Đồng thời ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ yêu cầu bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình v.v…).

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, công bố thường xuyên thông tin các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng và triển khai ngay kế hoạch vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới kiên quyết cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021. Hỗ trợ các hộ dân sử dụng rơm rạ sau thu hoạch vào mục đích hiệu quả thay cho việc đốt không đúng quy định.

Đối với các xe ngoại tỉnh vào nội đô cần được chia làn, rửa xe, che chắn để hạn chế bụi.

Về lâu dài cần đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị.

Xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường…

Địa chỉ công khai chất lượng không khí

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã yêu cầu các địa phương tăng cường công bố, công khai thông tin rộng rãi, khuyến cáo kịp thời đến người dân. Bộ đã thường xuyên tổng hợp các kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và đăng tải chính thức trên website của Tổng cục Môi trường (vea.gov.vn).

Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc quốc gia cũng được cập nhật và công khai 24/24h tại địa chỉ cem.gov.vn. UBND thành phố Hà Nội cũng thực hiện công bố và cảnh báo về chất lượng không khí tại địa chỉ moitruongthudo.vn.

Đây chính là các nguồn thông tin chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền về chất lượng không khí để công bố, cảnh báo cho cộng đồng theo đúng quy định.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm