1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ơ Đu, Đan Lai - nỗi đau sau 10 năm hạnh ngộ

Hơn 10 năm trôi qua, giờ có dịp quay trở lại với vùng thiểu số kỳ lạ và kỳ diệu ở miền tây xứ Nghệ, tôi thấy mình vừa lâng lâng hoài niệm, vừa buốt xót trong lòng.

 
Ơ Đu, Đan Lai -nỗi đau sau 10 năm hạnh ngộ

Kiến trúc nhà tái định cư quá chật hẹp, không hợp lý, người Ơ Đu không ở, mà dựng nhà lá bên cạnh để sống.

Trước, tự tay lái một cái xe máy phân khối lớn đi liêu xiêu trong mưa bão, ngược dòng sông Giăng rồi thảng thốt nhận ra con sông này có cái tên thơ mộng nhất Việt Nam, ở đó có tộc người Đan Lai với lịch sử, phong tục lẫn hủ tục đầy ám ảnh.

Trước, đi đến tận ngã ba Cửa Rào, nơi sông Lam bắt đầu được khai sinh do sự hợp lưu của hai dòng nước Nậm Nơn, Nậm Mộ hung dữ chồm qua các vách đá băng từ nước bạn Lào vừa về, rồi thuê thuyền máy thúc trên ghềnh thác đi tìm các bản làng người Ơ Đu cheo leo sau nách núi.

Và, tôi đã xúc động gặp một dân tộc đứng vào hàng có dân số ít người nhất Việt Nam. Dân tộc gì mà có hai cái tên phổ biến và chính thức, thì gọi kiểu gì cũng dậy lên sự xót xa tủi sầu đến ngần ấy: Ơ Đu, chiết tự ra là Thương Lắm; Tày Hạt, dịch nghĩa tiếng Thái có nghĩa là Rách Rưới Quá. Bấy giờ, tóc bồng phiêu lãng bay trong gió ngàn mướt mát.
 
Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát

Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát


Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát


Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát

Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát


Bấy giờ, các tộc người xa thẳm dù nghèo khó trong các cánh rừng hoang liêu, luôn gợi trong tôi cảm giác về sự lãng mạn đầy sức cám dỗ. Còn bây giờ, đường nhựa, xe hơi đến từng bản làng nhưng các cuộc tái ngộ với tộc người Đan Lai, với dân tộc Ơ Đu của tôi thật ngậm ngùi.

Nghèo vẫn hoàn nghèo. Mà trong cái nghèo, cái khó, lại còn có thêm cả sự oán trách những cán bộ bỏ mặc bà con trong những thảm cảnh éo le rơi nước mắt.

 Cái thanh bần của tộc người “nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá”

Trước khi trở lại Đan Lai, tôi có đến nhà GS-TSKH Tô Ngọc Thanh với mong muốn ông cụ ngoài 80 này sẽ chấp nhận tiết lộ cái bí mật tày trời về tộc người kỳ lạ đó.

Ông Thanh vẫn quả quyết: Mấy chục năm trước, khi đưa nhóm người này từ rừng sâu ra, chúng tôi đã phải khóc và hứa giữ bí mật đau thương kia cho họ, anh đừng có “gãi” tớ nhé. Giờ không kể gì đâu, kiên quyết không tiết lộ.

Khoảng 500 năm, tộc người này sống trong rừng sâu, do chạy loạn, do bị truy sát bởi quan quân tàn ác, do mặc cảm với nỗi sợ “tự kỷ ám thị” hay sự tủi hờn truyền kiếp nào đó, từ bấy họ tuyệt giao với thế giới con người. Ngày tháng khắc lên vỏ cây rừng, khắc lên cán con dao hộ mạng sắc lẻm bất ly thân để nhớ và để tính đếm. Người ta tự nhận mình mang họ La đến tận bây giờ.

Nghe nói trước bà con đều họ Lê, sau đổi ra họ La để tránh bị tru di tam tộc, thế là truyền đời người Đan Lai cứ Lê La trong các cánh rừng hoang hiểm. Sau tự nhận mình là “dân tộc” (tộc người) Đan Lai, tức là đan xen và lai tạp (?).

Hay chữ Đan là để kỷ niệm làng Đan Nhiệm (ở huyện Thanh Chương) quê gốc của dòng họ “chạy loạn vào rừng” suốt 500 năm đó? Tiếng nói, chữ viết, bản sắc, trang phục, hầu như không có gì là của “dân tộc” mình cả, tất cả đều lai tạp, giống mỗi “anh” một tí. Lịch sử của cộng đồng người này kể ra thì như huyền thoại khó tin. Bà con kể, các nhà giáo kể, anh biên phòng kể, rồi chúng tôi đã tìm gặp nhà nghiên cứu văn hóa Trần Vương ở Con Cuông để hỏi.

Đã gặp ông từ hơn 10 năm trước để phỏng vấn chuyện này. Nay gặp lại, ông Vương, còn kỳ công lục kho tài liệu, tái hiện cảnh gần nửa thế kỷ trước ông tò mò vào nghiên cứu người Đan Lai rất tâm huyết. Ông đã ký âm, đã học tiếng của người Đan Lai và muốn xuất bản bộ “từ điển” về thứ ngôn ngữ sắp thất truyền này.

Hồi ông Vương lội mấy chục con suối, đi vài ngày để vào với người Đan Lai ấy, bà con nghèo đến mức ăn bột cây báng để sống qua ngày. Đời họ săn bắt hái lượm theo đúng nghĩa đen: Hằng ngày đi bắt con cá, cắt đùm mật ong rừng chống đói thôi: “Trẻ em không có quần áo mặc, con gái lớn ở trần truồng, thấy người lạ chỉ biết chạy vào sau vách liếp che thân”.

Bài cúng của họ mà ông Vương sưu tầm, công bố, giờ đây như một diễn ca về lịch sử buồn thương ám ảnh nhất của tộc người này. “Cái thuyền liền chèo/ Trăm cây nứa vàng/ thần làng bắt nộp/ biết tìm đâu ra”, vì họ tộc này giàu có nên quan sở tại mới ghen tức, lệnh cho phải nộp trăm cây nứa bằng vàng, với cái thuyền mà mái chèo liền vào thân thuyền thành một khối, nếu không thì sẽ giết chết hết.

Lấy đâu ra trăm cây nứa bằng vàng? Thế là phải bỏ xứ mà chạy loạn. Họ đi mãi dọc con sông ấy, vào sâu trong đại ngàn Pù Mát. Nghe nói, cuộc sống giữa rừng thiêng nước độc, lại các cuộc hôn nhân cận huyết làm suy giảm giống nòi, rồi dịch bệnh hành hoành, họ từng đứng bên bờ diệt vong.

Bài cúng viết tiếp: “Theo dấu chân nai đi gieo hạt lúa/ theo dấu chân hổ đi trồng hạt ngô/ Lang thang đầu suối/ bâng khuâng lưng đèo/ sống đời nghèo khổ/ như dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều”. Nghèo và hoang vu đến thế là cùng. Cuộc sống của họ đôi khi cũng có sự hài lòng: “Nằm ngửa thấy ong/ nằm nghiêng thấy cá”; “Một chành cá mát/ Một bát mật ong rừng/ dâng lên tiên tổ” trong ngày cúng cuối năm.

Khoảng 500 năm với cuộc sống theo dấu chân cọp đi trồng hạt ngô và các bi kịch khiến GS Tô Ngọc Thanh suốt đời không nỡ nói ra kia, quả thật, tộc người Đan Lai có lịch sử độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Vì trốn chui trốn lủi suốt bao nhiêu thế hệ, nên người Đan Lai sinh ra cái tục ngủ ngồi.

Ngủ gục gù bên bếp lửa, chống hai cái chạc cây vào cổ, vào cằm để khỏi đổ chổng kềnh vào trong than hồng. Họ ngủ thế để tiện bề bỏ chạy khi có dã thú tấn công, hoặc bị quan quân truy đuổi. Đấy là chưa kể tục đàn bà vượt cạn một mình trong căn lều hoang, dùng cật nứa cắt cuống rốn. Đứa bé sơ sinh chưa thấy ánh mặt trời đã bị nhúng xuống nước lạnh sông Giăng. Khỏe thì sống, yếu thì chết!

Hơn 10 năm trước, chúng tôi bọc máy móc trong các túi nylon lớn, cưỡi các con thuyền gỗ bé xíu lao như mũi tên ngược thác sông Giăng kinh hoàng để thừa sống thiếu chết vào các bản Khe Khặng, Co Phạt tìm gặp người Đan Lai. Bây giờ vẫn thế, vẫn nửa ngày phơi nắng trên sông, con thuyền gầm gừ khó nhọc, thỉnh thoảng Quân (một cán bộ huyện) lại phải oằn lưng chống sào ẩy thuyền ra khỏi các ghềnh đá, các cuộc mắc cạn lạnh tóc gáy giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Và, anh Lương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An), nơi hầu hết người Đan Lai sinh sống - vẫn thở dài: 100% bà con bản Co Phạt này là hộ nghèo. Anh nhấn mạnh như sợ tôi không hiểu: 94 hộ dân Đan Lai ở đây hiện vẫn là là 94 hộ nghèo, rất nghèo. Nghèo vẫn hoàn nghèo, dù biết bao nhiêu dự án đã “đi” vào đây rồi.

Chính phủ đã cấp tới 93 tỉ đồng trong dự án vực người Đan Lai dậy rồi, vậy mà… Trong căn nhà rách rưới, một người sống bằng nghề đánh cá bên sông Giăng thở dài: “Không còn tiền trong nhà, chỉ còn ít gạo, đánh cá lên nấu ăn qua ngày thôi. Tôi tàn tật, nhưng cả đời chưa được khám bệnh, cô đơn cô quả một mình. Ruộng thì cạn, nước sinh hoạt không có mà dùng”.

Chị Vi Thị Nghiêm - chủ quán - từ ngoài trung tâm xã Môn Sơn vượt ghềnh thác vào đây bán hàng đã nhiều năm, ngồi nhà rỗi mà phân tích cặn kẽ: Bà con lên rừng đào, hái vài cây thuốc nam như thạch xương bồ, cây máu khỉ về đổi lấy gạo, mắm, muối thôi. Bán hàng ở đây, người ta thường chỉ có tiền trả 2/10 tổng số hàng hóa mà họ mua. Bao giờ kiếm được cây gì, con gì, lại ra trừ nợ dần. Nếu không thì ăn sắn ăn khoai trừ bữa. Họ mua ít lắm, vì bà con quá nghèo.

Cái nghèo cứ đổ cho hủ tục với sự truyền kiếp có gì huyền bí đó, tôi nghĩ là có thể giải thích được, ấy là các chính sách, các phương pháp giúp bà con thoát nghèo còn chưa phát huy hiệu quả. Người cán bộ có Tâm, cần phải biết xót xa vì điều này.

Trong hình ảnh những phụ nữ Đan Lai hở ngực, chằng địu cả đàn con nheo nhếch, rồi nhà phên nứa rách rưới, rồi nghèo khó đến mức chúng tôi lặng đi kia, không thể chỉ đổ lỗi cho thói quen ở giữa rừng sâu và ỷ lại vào thiên nhiên “nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá” của bà con được!
 
Ơ Đu, Đan Lai -nỗi đau sau 10 năm hạnh ngộ

Suốt bao năm, đến nay vẫn chỉ có duy nhất cách thuê thuyền vượt thác dữ suốt nửa ngày để vào vùng của người Đan Lai thế này!

Không lẽ người Đan Lai cứ săn bắt hái lượm mãi thế này ư


Không lẽ người Đan Lai cứ săn bắt hái lượm mãi thế này ư


Không lẽ người Đan Lai cứ săn bắt hái lượm mãi thế này ư

Không lẽ người Đan Lai cứ săn bắt hái lượm mãi thế này ư?

Các cuộc di dân tai tiếng với đầy rẫy bi kịch!

Bây giờ, người Đan Lai đã có hơn 3.000 thành viên. Họ còn được gọi là người Lý Hà, xếp vào một nhánh của dân tộc Thổ. Các bản Đan Lai đang ầm ĩ với dự án di bớt dân ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Tiếc thay, khi phỏng vấn, khá nhiều bà con kiên quyết không muốn di dời.

Người di dời ra xã khác, thì lại kiên quyết muốn trở về bản Khe Khặng mà bao đời cha ông mình đã gắn bó. Ngay ở Co Phạt, các dự án san đất làm ruộng nước, lập kênh mương thủy lợi cũng còn quá nhiều bất cập. Nơi ở mới lại còn bừa bộn lo toan và bức xúc hơn. Chả đâu xa, ngay ở nhà ông La Quang Vinh - trưởng bản Đan Lai mới Thạch Sơn ở xã Thạch Ngàn, Con Cuông - tiếng bức xúc đã ồn ã khi có nhà báo đến.

Bà con kéo đến rất đông. Thậm chí cán bộ địa phương còn phải “tẩy não” chúng tôi trước khi dẫn vào bản đó, rằng bà con có kêu ca quá, nhà báo cũng phải bình tĩnh nhé. Đành rằng các chính sách xây điện, đường, trường, trạm, cho bà con là rất đáng mừng.

Việc chúng ta trợ cấp gạo, nước, dầu, muối cho bà con cả năm trời từ khi ra nơi ở mới, là rất đáng quý. Song, đất đai thiếu, đất đai bạc màu, ruộng và rừng giao cho dân chưa đủ để làm ăn, sinh sống cũng là một sự thực đau lòng.
 
Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Vương tái hiện tục ngủ ngồi rất buồn thương của thân phận một tộc người 500 năm chạy trốn


Phải hiểu rằng bà con bao năm nay “nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá”, “theo dấu chân nai đi gieo hạt lúa”, với thiên nhiên vô cùng trù phú. Và đã nhiều lần cán bộ các thế hệ muốn hạ sơn, di dân Đan Lai ra khỏi đại ngàn Pù Mát mà thất bại, vì bà con ở quen với nơi mát mắt rộng mênh mông rồi.

Dự án di dân ra Thạch Ngàn bây giờ lại lặp lại cái sai lầm xưa, làm sao bà con chịu được? Không có nghề, ít được học, không đủ ruộng và rừng, bà con biết làm gì để sống? Đặc biệt đáng sợ là tình trạng trộm cắp, đánh đấm nhau, đám đầu xanh đầu đỏ bắt nạt các thanh niên Đan Lai hiền lành như con nai trên thượng nguồn sông Giăng.

Trưởng bản La Quang Vinh nói rất chân thành: Ở quê cũ tôi cũng là lãnh đạo bản. Quê chúng tôi là quê cách mạng, xã tôi là xã Anh hùng lực lượng vũ trang, chi bộ Đảng đầu tiên của miền tây xứ Nghệ thành lập ở chỗ chúng tôi.
 
Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát

Người đàn ông Ơ Đu này nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy xã, ông cho biết: khi đi làm cán bộ, ông cũng tủi sầu mặc cảm, khai lý lịch rằng mình là dân tộc Thái, rồi tổ chức bắt khai lại

“Vào Đan Lai” bao năm nay lúc nào cũng yên bình. Củ sắn củ khoai, con bò con dê, của nhà ai là của nhà ấy, xóm làng không bao giờ có tiếng eo xèo cãi cọ, không bao giờ có trộm cắp, nghiện hút, đánh nhau. Bây giờ ra Thạch Ngàn khổ quá. Gà vịt, bò dê, lợn chó, sểnh ra là mất. Có khi nó bắt dê nhà mình kêu ầm ĩ ngoài sân mà cũng không dám xuống khỏi nhà sàn để giữ, vì xuống là nó dùng dao dài chém chết. Quả trong vườn chưa chín nó đã vặt trộm hết.

Người nhà ông Vinh - bà La Thị Bình (56 tuổi) - và xóm mạc đi tìm chúng tôi để kêu cứu: “Khổ quá, cho chúng tôi về lại sông Giăng thôi. Ở đây không có cả cái ruộng mà làm”. Thực tế nhiều người đã bỏ về quê cũ.

“Chúng nó chửi, bọn Đan Lai chúng mày ngu, cút đi khỏi Thạch Ngàn đi”, một người đàn bà bế cháu khóc rũ rượi. Nó bảo, đất này là của người Thái, ai cho chúng mày đến đây? Con trai trưởng bản La Quang Vinh khôi ngô lắm. Đang đi học lớp 10 ở trong Môn Sơn, đến lúc “bị” di dân ra Thạch Ngàn, hóa ra lại xa trường cấp 3 quá, thế là cháu bỏ ngang tuổi học. Cháu lãng mạn, dán các câu danh ngôn đầy ý nghĩa và xúc động, dán các tranh ảnh đẹp lên kín các vách liếp nhà sàn. Cháu vẽ rất đẹp. Thế rồi thanh niên trong bản Thái đến bắt nạt bản Thạch Sơn liên tục. Các cháu Đan Lai không đánh nó, nó cũng tự khắc xông vào đánh như đánh kẻ thù.
 
Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát

Nhà tái định cư bé xíu, nóng nực, không phù hợp với truyền thống, ruộng nương không có, không ai thuê làm, người Ơ Đu đến vùng đất mới chỉ biết… ngồi chơi

“Đánh nó thì mình cũng chết, không đánh lại nó thì nó cũng đánh chết mình” - bà Bình hờn tủi kể. Thế là, chạy không thoát được, nhịn chúng nó vài năm rồi. Vừa rồi, chúng nó đánh dữ quá, rồi lại còn tuyên bố “không cho bọn Đan Lai chúng mày ăn tết”.

Uất ức quá, cháu La Văn Bích - con trai trưởng bản Quang Vinh - mới vác dao chém chết hai đứa truy sát cháu ác liệt nhất (tên là Kha Văn G và Vi Vă M). Chém xong, bỏ trốn mấy ngày rồi cháu phẫn uất treo cổ tự tử trong rừng.

Khi chúng tôi báo cáo tình trạng này, anh Phạm Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn - cũng xác nhận có biết vấn đề đó và sẽ cho cán bộ rà soát, chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự ở khu tái định cư người Đan Lai sớm. Vì sắp tới, lại có đợt di dân ra khỏi Pù Mát nữa, đây là “một chủ trương lớn và có ý nghĩa quan trọng”…

Với dân tộc Ơ Đu, bà con chỉ có hơn 300 người, sống rải rác ở 7 bản thuộc 3 xã của huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An), thì công cuộc làm cái Thủy điện Bản Vẽ cũng đã khiến cộng đồng này lao đao… không kém gì người Đan Lai!
 
Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát

Kiến trúc nhà tái định cư quá chật hẹp, không hợp lý, người Ơ Đu không ở, mà dựng nhà lá bên cạnh để sống

Toàn bộ hơn 98% người dân tộc Ơ Đu bây giờ được gom về, sống chung trong duy nhất 1 bản Văng Môn của xã Nga My, huyện Tương Dương. Đây là một chủ trương, có thể nói, xuất phát điểm của nó là vì quyền lợi của cái gì đó liên quan đến thủy điện Bản Vẽ, trước khi người ta cố nghĩ ra các lý do “nhân văn” khác! Có lẽ thế, nên họ tái định cư cho người Ơ Đu quá ẩu.

Họ gom bà con lại hỏi một câu làm “vì”: Muốn đi vào miền Nam hay về tít dưới Thanh Chương hay ở lại Tương Dương? Dĩ nhiên là bà con không muốn ly tán đi quá xa. Ở lại Nga My. Họ thu gom, thả vào vùng đất cằn cỗi, dốc dác ấy.

Nhà cửa thì đồng loạt nhà sàn bằng gạch đá bêtông, “nhà đời mới” như những cái tổ chim cu kiễng chân đứng trong miền rừng ấy mà bất biết tập quán của bà con là ở nhà sàn hay phên liếp ềm ệp ven các sông Nậm Nơn, Nậm Mộ, bất biết diện tích đó có đủ cho cuộc sống theo phong tục truyền thống của đồng bào mình không.

Đặc biệt, trưởng bản Văn Môn - anh Lo Văn Tình - tức tối: “Nhà bé quá, không thể ở được, nóng nực lắm. 100% các hộ không ai sử dụng bếp do “nhà nước” xây cho, vì bếp liền với nhà. Mà bà con đun củi, nó khói um không thể chịu được. Tất cả các hộ phải cơi nới, tự dựng một túp lều lá để làm bếp”.

Nước dâng ụp một cái, xóa sổ các bản làng truyền thống của người Ơ Đu, trong khi anh Tình và các cụ không một ai biết đến bóng dáng người cán bộ đi sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể để giữ gìn cho người Ơ Đu và nước nhà.

Mất hết, giờ đây, theo ông Vi Tân Hơi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - người Đan Lai chỉ còn vài cụ già biết tiếng nói của dân tộc mình, cơ số tiếng mà các cụ gần đất xa trời này nhớ được cũng chỉ… đủ để giao tiếp sơ sơ với chưa đầy 200 từ! Văn hóa mai một đến mức mất trắng.

Ông cụ 80 tuổi - nguyên Bí thư Đảng ủy xã của người Ơ Đu - tâm sự: Nhiều bà con, từ xưa đi làm cán bộ đã nhận mình là dân tộc Thái kẻo “xấu hổ mình rách rưới nghèo khổ”. Bản thân ông cựu Bí thư xã cũng hạ bút khai trong lý lịch cán bộ như vậy, để rồi “Tôi đã bị cấp trên bắt khai lại, bởi, tại sao anh lại bảo anh người Thái, trong khi tôi biết rõ anh là người ơ Đu?”.

Thậm chí, cái chỗ thờ cúng của bà con bị bụng nước thủy điện nuốt mất, giờ ở bản mới cũng chẳng ai quan tâm “phục dựng” cho. Khi chúng tôi (nhà báo) đến, thì thấy trên đỉnh núi có một túp lều tranh, hỏi, các bô lão bảo, chúng tôi đành thờ thần làng ở đó vậy, xin “nhà nước” mãi, không ai xây cho.


Ơ Đu, Đan Lai -nỗi đau sau 10 năm hạnh ngộ

Đứa con trai quá cố của trưởng bản Đan Lai La Quang Vinh. Việc cậu bé treo cổ tự tử sau khi chém chết 2 người có làm ai đó thức tỉnh không?
Ơ Đu, Đan Lai -nỗi đau sau 10 năm hạnh ngộ

Một góc chữ nghĩa trên vách liếp bản Thạch Sơn, dù nó sai chính tả quá nhiều, nhưng nó chứa đầy sự xúc động, tính lành lẽ và sự tử tế của người Đan Lai.

Trách ai?

Hơn 10 năm trở lại, con sông Nậm Mộ, Nậm Nơn tuyệt sắc xưa đã biến mất bởi thủy điện dâng nước ngập tứ tung gây nên bao hệ lụy. Và người đàn ông “kỷ lục” của dân tộc Thương Lắm, Rách Rưới này cũng đã ra đi vĩnh viễn theo… con sông quê hương: Anh Lo Kim Trọng, đã chết.

Anh là người đàn ông đầu tiên của cái dân tộc chủ yếu là họ Lo (lo lắng?) này đã tốt nghiệp đại học, đã trở về làm giáo viên, rồi làm hiệu trưởng trường xã Kim Đa - nơi có nhiều người Ơ Đu sinh sống. Mới đây, các lớp học tiếng Ơ Đu cho người Ơ Đu được cán bộ cho tiền để 4 người già hiếm hoi còn biết tiếng tổ tiên truyền dạy cho con cháu.

Lớp ấy, cũng chỉ nhóm được vài hôm rồi tắt. Một dân tộc hơn 300 người đứng bên bờ vực thất truyền cả văn hóa và tiếng nói. Rồi họ bị buộc phải di dân ra vùng đất mới với sự đầu tư, chăm sóc quá nhiều bất cập.

Trong căn nhà trống huếch, các thành viên nằm dài “nhàn cư” bên các lan can, bờ tường vàng vọt rêu mốc, chàng thanh niên Lo Văn Sắng nói như mếu: Không có ruộng làm đâu. Không có rẫy làm đâu. Đi làm thuê vài chục nghìn một ngày thì cũng không có ai thuê, “một tháng chỉ đi làm được 1 tuần là nhiều lắm”.

Xin ruộng thì không ai cho. Biết làm gì bây giờ? Văn hóa, tiếng nói, quê hương bản quán mất. Con sông chết. Họ sẽ đi về đâu? Phó Chủ tịch huyện Vi Tân Hợi bảo, bà con nghèo chúng tôi thương lắm, huyện phải có trách nhiệm thôi. Nhưng những người làm công việc di dân, đền bù, chăm sóc bà con “đến nơi ở cũ phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” đâu?

Họ là người của đơn vị làm thủy điện. Họ đã xa chạy cao bay, bỏ lại một mớ bùng nhùng thế này đây? Không lẽ chúng ta giao phó sự tồn vong, sự sướng khổ của cả một dân tộc Ơ Đu vào tay mấy ông làm thủy điện vốn đã đầy rẫy tai tiếng khắp dọc non sông gấm vóc này rồi ư? Bà con quen ở thông thoáng giữa núi rừng bao la, giờ nhốt họ lại trong những cái “hộp diêm” bé xíu.

Diện tích nhà chật đến mức, bà con Ơ Đu hốt hoảng kiến nghị nhiều lần từ khi chưa xây cơ. Cán bộ bảo, tiêu chuẩn có ngần ấy, diện tích ấy đã được “Bộ Xây dựng quy định rồi”, đành chịu thôi. Ôi, sao có cái quy định oái oăm thế? Có thật “Bộ” khống chế diện tích như vậy để nhốt những cánh chim trời quen với trời nước và núi rừng khoáng đạt kia vào những cái lồng khủng khiếp này không?
 
Một cảnh nghèo dễ gặp ở bản Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát

Đây là một chi tiết xót xa: văn hóa truyền thống không được quan tâm, ngôn ngữ thất truyền, nơi thờ cúng bị ngập trong biển nước thủy điện, người Ơ Đu đành góp tiền dựng một túp lều tranh trên đỉnh núi xa để thờ cúng thần linh!

Ông Vi Tân Hợi có lẽ buốt lòng lắm, khi chia sẻ rất thật: Tương Dương, cứ nhìn trên tivi thì biết, bao giờ dự báo thời tiết mùa hè cũng “đỏ rực” màn hình vì nó nóng nực nhất nhì cả nước. Nay bà con bị dồn vào khu đất dốc, ruộng không có, việc làm không có. Nhà tái định cư thì bé xíu, 100% bếp không sử dụng được, khói mù khói mịt với củi than bếp núc, thử hỏi làm sao họ chịu được cái nóng 38-39 độ của xứ Tương Dương?

Đan Lai, rồi Ơ Đu, các cộng đồng nhỏ bé lẩn lút giữa rừng sâu bao đời ấy có cái gì rất giống nhau, cả trong quá khứ và hiện tại. Có thể không một cá nhân nào trong số hai dân tộc kia biết nhau, nhưng trong mắt tôi họ có quá nhiều điểm tương đồng.

Xưa, cùng sinh sống trong một Phủ Tương Dương xa xôi, cùng một lộ trình đăm đắm vượt đường số Bảy dọc sông Lam, cùng ở thượng du các con sông ghềnh thác, cùng một dịp tôi được “hạnh ngộ” hơn 10 năm trước và cùng cuộc tái ngộ hôm nay. Sao mà nỗi đau giống nhau thế? Cái diễm tình mơ màng “nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá” giữa bao la núi rừng sông nước, cuộc sống vạm vỡ “theo dấu chân cọp đi trồng hạt ngô”… đã dần biến mất.

Thay vào đó là không ít tai ương của ngày mới. Nếu nói lỗi là do ai, thì có thể ai đó sẽ nổi giận. Nhưng rõ ràng không phải lỗi là do người Ơ Đu hay người Đan Lai vốn lành như con nai, con hoẵng trong đại ngàn miền tây xứ Nghệ. Biết làm sao bây giờ, Ơ Đu thương mến, Đan Lai thương nhớ của tôi?

Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm