1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nước sông dâng cao, nhiều nơi bị chia cắt cục bộ

(Dân trí) - Do lượng mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao khiến nhiều địa phương tại huyện miền núi Đăkrông, tỉnh Quảng Trị bị cô lập. Nhiều tuyến đường, cầu dẫn vào các bản vùng sâu bị chia cắt.

Ngày 8/11, ông Hồ Văn Biệt, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang, huyện Đăkrông cho biết, mưa lớn những ngày qua khiến nước từ thượng nguồn sông Đăkrông đổ về nhanh gây chia cắt nhiều nơi. Hiện một số tuyến đường giao thông từ A La đến Tà Rẹc, từ Ba Nang đi Đá Bàn, đường dẫn vào các bản vùng sâu như Bù, Ngược, Tà Min… đã bị chia cắt từ 3 ngày qua.

Cầu đã bị ngập khiến giao thông bị tê liệt, đường dẫn vào các bản bị chia cắt cục bộ
Cầu đã bị ngập khiến giao thông bị tê liệt, đường dẫn vào các bản bị chia cắt cục bộ

Do nước sông dâng cao khoảng từ 1- 2m nên một số cầu tràn bị ngập nặng, người dân không thể về được trung tâm. Nhiều học sinh tại các bản không thể đến lớp do cầu bị ngập.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống; riêng sông Thạch Hãn, hạ lưu sông Ba tiếp tục lên.

Mực nước trên sông Đăkrông, tỉnh Quảng Trị vẫn đang ở mức cao
Mực nước trên sông Đăkrông, tỉnh Quảng Trị vẫn đang ở mức cao

Dự báo, lũ trên sông Thạch Hãn, hạ lưu sông Ba tiếp tục lên và sẽ đạt đỉnh vào trưa nay (8/11). Đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn ở mức 4,7m; trên sông Ba tại Phú Lâm: 2,5m. Các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống.
 
*
Trước tình hình diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan đang tiến nhanh vào Biển Đông có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Định, sáng 8/11, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp khẩn triển khai các biện pháp phòng chống bão.

UBND tỉnh Bình Định hợp khẩn triển khai công tác phòng, tránh bão Haiyan sáng 8/11
UBND tỉnh Bình Định hợp khẩn triển khai công tác phòng, tránh bão Haiyan sáng 8/11

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Định, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa đo được từ 01 giờ ngày 6/11 đến 19 giờ ngày 7/11 tại hồ An Hòa 143mm, Bồng Sơn 64mm, Vĩnh Sơn 238mm, Bình Nghi 123mm, Thạnh Hòa 86mm, Vân Canh 136 mm, Quy Nhơn 83mm, Phù Mỹ 73mm, Phù Cát 132mm, Hoài Ân 147 mm.

Tại các sông trong tỉnh đã xuất hiện lũ, mực nước lũ thượng nguồn các sông đã đạt đỉnh đêm qua ở mức báo động cấp I-II. Trên sông An Lão lúc 22 giờ này 6/11 đạt đỉnh 22,72 dưới mức báo động II 0,28m; trên sông Kôn tại Vĩnh Sơn lúc 20 giờ ngày 6/11 đạt đỉnh 72,15, dưới báo động 2 là 0,35m; tại Thạnh Hòa lúc 1 giờ ngày 8/11 đạt đỉnh 7,43m, trên báo động 2 là 0,43m. Lũ trên sông Kôn đã gây ngập, chia cắt tỉnh lộ ĐT 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đi các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa...

Theo Bộ đội Biên phòng Bình Định cho biết, tổng số tàu thuyền di chuyển đánh bắt ở các ngư trường là 7.345 tàu/42.268 người. Trong đó, neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh là 4.679 tàu/1.273 người; khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh 183 tàu/1.273 người; khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang là 1.986 tàu/14.376 người; khu vực quần đảo Hoàng Sa 35 tàu/262 người; khu vực giữa Hoàng Sa 60 tàu/450 người; khu vực quần đảo Trường Sa 129 tàu/903 người; 273 tàu cá/3.897 người ở vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa (từ vĩ độ 7-8).

Hiện tại 224 tàu/1.615 người nằm ở khu vực nguy hiểm của bão Haiyan sắp vào biển Đông (Bắc vĩ tuyến 8 và Nam vĩ tuyến 16). Hiện các tàu thuyền, chủ phương tiện đã nhận được thông tin cơn bão Haiyan sắp đi vào biển Đông.

Tỉnh lộ ĐT 640 qua huyện Tuy Phước bị nước lũ chia cắt người dân phải đi lại bằng ghe
Tỉnh lộ ĐT 640 qua huyện Tuy Phước bị nước lũ chia cắt người dân phải đi lại bằng ghe
Nhiều nơi học sinh phải lội nước đến trường
Nhiều nơi học sinh phải lội nước đến trường

Đến thời điểm này, tỉnh Bình Định còn 4.843 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó Phù Mỹ 2.595 ha, Hoài Nhơn 1.257 ha, Phù Cát 596 ha, Vĩnh Thạnh 120 ha, Vân Canh 275 ha. Về nuôi trồng thủy sản hiện có 81 ha nuôi tôm chưa thu hoạch; 700 lồng nuôi cá biển, 701 lồng nuôi tôm hùm cần có biện pháp bảo vệ an toàn trong siêu bão Haiyan.

Để chủ động phòng, tránh bão Haiyan, UBND tỉnh Bình Định đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện triển khai công tác phòng, tránh và ứng phó với bão Haiyan sẽ đổ bộ vào Bình Định.

Tiếp tục thông báo và kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm về bờ an toàn; kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông. Thực hiện lệnh cấm biển; kiểm tra, vận hành các hồ chứa đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình, vùng hạ du; kiểm soát giao thông tại các cầu, tràn đường có khả năng bị ngập, bến đò.

Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo các hồ nuôi tôm cá, lồng tôm trên biển; chặt tỉa cành cây hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình, rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông, vùng sạt lở, lũ quét; đặc biệt sơ tán nhân dân ở các vùng ven biển đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 8/11.

Bên cạnh đó, phải tổ chức trực ban 24/24 giờ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống bão, lũ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB-TLCN tỉnh.

Ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu các ngành liên quan thực hiện di dời dân ở vùng nguy hiểm, nhất là dân các vùng ven biển, vùng núi, cả người dân trong nhà mái tôn tạm bợ đến nơi an toàn và phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 8/11. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng Công an, Biên phòng và cơ quan liên quan phải thường xuyên túc trực ở những khu vực trọng yếu, hạn chế đến mức tối thiểu rủi ro do bão gây ra.

Ông Dũng nhấn mạnh, trong khi sơ tán dân, các địa phương phải đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của người dân, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men, lương thực, thực phẩm để giúp dân sơ tán vượt qua cơn bão.

Đăng Đức - Ngọc Duyên - Doãn Công